Trang

CATP Hồ Chí Minh quán triệt Nghị quyết Trung ương 4


Sáng 23/5, Đảng ủy Công an TP Hồ Chí Minh đã khai mạc hội nghị quán triệt việc thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết Trung ương 4) về một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay cho lực lượng Công an thành phố.
Tham dự hội nghị có các đồng chí là Bí thư Đảng ủy, Trưởng Công an 24 quận huyện của thành phố; các đồng chí là đại diện cho cấp ủy, ban chấp hành 47 cơ sở Đảng thuộc Đảng bộ Công an thành phố. Sau phiên khai mạc toàn thể tại hội trường, hội nghị sẽ có các buổi thảo luận về việc quán triệt tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 tại tổ cho đại diện các cơ sở Đảng trong lực lượng Công an thành phố. Hội nghị diễn ra trong 2 ngày 23 và 24/5.

Chủ trì hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Chí Thành, Bí thư Đảng ủy – Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh đã đi sâu vào phân tích 4 nội dung lý giải về sự cần thiết ra đời Nghị quyết Trung ương 4 trong tình hình hiện nay. Thiếu tướng Nguyễn Chí Thành nhấn mạnh: Trên địa bàn thành phố thời gian qua đã xuất hiện một bộ phận đảng viên, nhất là những đảng viên đã nghỉ hưu có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị đã được lực lượng An ninh đề xuất biện pháp xử lý. Lợi dụng cơ hội suy thoái về đạo đức, phẩm chất chính trị của một bộ phận nhỏ cán bộ đảng viên, các đối tượng phản động đã tìm mọi cách thúc đẩy “Nguy cơ tự diễn biến; tự chuyển đổi thông qua các diễn đàn và hệ thống truyền thông” để chống phá Nhà nước. Hiện lực lượng An ninh thuộc Công an thành phố triển khai các kế hoạch bóc gỡ.

Với bản thân lực lượng Công an thành phố, Thiếu tướng Nguyễn Chí Thành cũng thẳng thắn nhận xét, việc triển khai công tác xây dựng đảng ở khối cơ sở kinh tế, DN hạn chế hơn các đơn vị sự nghiệp. Trong 5 năm, từ 2006 – 2011 Công an thành phố đã kiên quyết xử lý 266 trường hợp cán bộ, chiến sỹ có liên quan đến vấn đề tham nhũng, tiêu cực. Chính vì vậy, nhiệm vụ tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, lối sống càng phải được đặt ra với bản thân từng cán bộ, đảng viên trong lực lượng Công an.

TP HCM đối phó với tình trạng cướp tài sản của du khách


"Công an thành phố sẽ chốt chặt các giao lộ, các cầu và hầm đường bộ, tăng cường tuần tra và mật phục nhằm giảm tình trạng cướp giật tài sản của người nước ngoài", Thiếu tướng Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Công an TP HCM khẳng định.
Thiếu tướng Nguyễn Chí Thành - Giám đốc công an TP HCM phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tá Lâm.
Thiếu tướng Nguyễn Chí Thành - Giám đốc công an TP HCM phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tá Lâm.

Ngày 10/5, tại Hội nghị sơ kết công tác phòng chống tội phạm xâm hại tài sản người nước ngoài ở khu vực trung tâm TP HCM, đại tá Nguyễn Phi Hùng - Phó Tổng cục trưởng Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) nhận định, TP HCM là nơi có nhiều người nước ngoài đến du lịch nên thành phố phải đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ an toàn, tài sản cho du khách.

Theo ông Hùng, tội phạm xâm hại tài sản của người nước ngoài là loại tội phạm đặc thù vì người nước ngoài đến Việt Nam hoàn toàn không biết gì, rất dễ bị cướp giật nên cần phải có "giải pháp đặc thù".

"Các công ty lữ hành phải thông báo cho du khách nước ngoài biết những thủ đoạn cướp giật của tội phạm, hướng dẫn cho họ cách ứng phó giữ gìn tài sản", ông Hùng nói. Song song với đó, vị Tổng cục phó yêu cầu cảnh sát phải có phương án và lập kế hoạch phá các băng tội phạm xâm hại tài sản người nước ngoài.

Đối với hai vấn đề "nhức nhối" hiện nay là tình trạng chặt chém và chèo kéo du khách nước ngoài, ông Hùng đề nghị thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý.

Cùng quan điểm, thiếu tướng Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Công an TP HCM cho biết, trong thời gian tới sẽ lập mạng lưới theo dõi những tên tội phạm trước đó đã bị lập hồ sơ hoặc trong diện tình nghi để ngăn chặn chứ không để tội phạm xảy ra mới truy bắt. "Công an thành phố sẽ chốt chặt các giao lộ, các cầu và hầm đường bộ, tăng cường tuần tra và mật phục nhằm giảm tình trạng cướp giật tài sản của người nước ngoài", Giám đốc Thành khẳng định.

Vị giám đốc công an thành phố cũng đề nghị các đội trinh sát đặc nhiệm sử dụng hệ thống camera của Trung tâm thông tin chỉ huy (thuộc công an TP HCM), thậm chí cả camera điều khiển giao thông để quan sát, phát hiện tội phạm nghi vấn và thông tin cho lực lượng cảnh sát tại hiện trường. Ông còn lưu ý cẩn trọng khi sử dụng vũ khí quân dụng trong việc bắt cướp tại trung tâm thành phố. "Các đồng chí truy đuổi cướp, dùng súng bắn chỉ thiên thì không sai nhưng nó gây náo loạn và bất an cho người dân", ông nói.

Thiếu tướng Nguyễn Chí Thành - Giám đốc công an TP HCM trao giấy khen cho 11 tập thể vì có thành tích bảo đảm an toàn cho du khách. Ảnh: Tá Lâm.
Thiếu tướng Nguyễn Chí Thành - Giám đốc công an TP HCM trao giấy khen cho 11 tập thể vì có thành tích bảo đảm an toàn cho du khách. Ảnh: Tá Lâm.

Liên quan đến việc nghiên cứu thành lập Cảnh sát du lịch nhằm đảm bảo an toàn cho du khách nước ngoài mà UBND TP HCM vừa chỉ đạo công an thành phố thực hiện, thiếu tướng Nguyễn Chí Thành cho rằng, không nhất thiết phải lập ra lực lượng này.

Ông Thành cho biết, từ năm 1990, thành phố đã đưa vấn đề này ra bàn thảo nhưng đến nay vẫn "không có lối ra". Theo thiếu tướng, các công ty lữ hành cần phải có lực lượng bảo vệ cho du khách, chứ công an không thể lập ra lực lượng Cảnh sát du lịch để rồi đi theo các đoàn du lịch. Còn tại các điểm tham quan, lực lượng chức năng đã có phương án bảo vệ an ninh trật tự trước đó. "Đừng đặt vấn đề thành lập Cảnh sát du lịch nữa. Bảo vệ an ninh trật tự chung là trách nhiệm của công an thành phố", ông Thành nhấn mạnh.

Tại hội nghị hôm nay, 11 tập thể và 12 cá nhân đã được công an thành phố tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong việc bảo đảm an toàn cho du khách. Ngoài ra, ông Lê Phước Minh, bảo vệ dân phố phường Phạm Ngũ Lão (quận 1) cũng nhận được giấy khen này.

Theo báo cáo của công an TP HCM, 4 tháng đầu năm nay, tình trạng xâm hại tài sản của người nước ngoài tại khu vực trung tâm thành phố (quận 1) đã giảm. Cụ thể, trong thời gian trên đã xảy ra 16 vụ cướp giật, 3 vụ trộm cắp và 1 vụ lừa đảo. So với cùng kỳ năm ngoái giảm 2 vụ.


Nguồn đọc thêm: http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=388588#ixzz1uSSUMUGn 
http://www.xaluan.com/

Đính chính vụ Văn Giang - Ecopark và bà Nguyễn Thanh Phượng

Ban biên tập nhận nguồn tin từ Cộng tác viên cho biết: Ngày 2/5/2012, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (nhà đầu tư thực hiện dự án Ecopark, đăng ký kinh doanh tại Hưng Yên) là ông Đào Ngọc Thanh, đã ban hành công văn số 83/CV-VH gửi các cơ quan thông tấn báo chí, đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương trong cả nước với mong muốn các cơ quan truyền thông giúp ông Đào Ngọc Thanh làm sáng tỏ thông tin về việc bà Nguyễn Thanh Phượng với nội dung:



Hình ảnh công văn của công ty “Cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng” gửi cơ quan báo chí
Nội dung trong bản công văn được ông Đào Ngọc Thanh khẳng định rõ: “Sau khi cưỡng chế đất đai ở Văn Giang, Hưng Yên. Ngày 24/4/2012, trên mạng Internet xuất hiện một số thông tin cho rằng “Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng” (nhà đầu tư thực hiện dự án Ecopark, đăng ký kinh doanh tại Hưng Yên) và Công ty CP phát triển Bất động sản Việt Hưng là một.

Trước thông tin này, Tổng giám đốc khẳng định “Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng” hoàn toàn không liên quan gì tới Công ty CP phát triển Bất động sản Việt Hưng”, mọi thông tin về pháp lý của công ty, hoàn toàn có thể kiểm chứng tại cổng thông tin Doanh nghiệp và đầu tư Hưng Yên. Đường dẫn: http://hungyenbusiness.gov.vn. Và kể từ năm 2003 thành lập công ty đến nay, “Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng”(Vihajico), chưa từng thực hiện phát hành cổ phiếu ra công chúng bất kỳ lần nào. Tổng giám đốc công ty hiện nay là ông Đào Ngọc Thanh, cùng Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Lương Xuân Hà, chứ không phải theo một số tin đồn thất thiệt là Bà Nguyễn Thanh Phượng mà cộng đồng mạng đã đồn đoán.

Chúng tôi khẳng định bà Nguyễn Thanh Phượng hoàn toàn không liên quan gì tới dự án Ecopark, cũng như không có bất cứ vai trò pháp lý nào trong Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng.

Nội dung chi tiết bản công văn của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng:



Nguồn: http://thutuongnguyentandung.net/tin-nong-cong-ty-cp-dt-pt-do-thi-viet-hung-dinh-chinh-ve-vu-viec-ecopark.html

TPHCM kỷ niệm 37 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam và Ngày Quốc tế lao động


Ngày 29/4, Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã long trọng tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm 37 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 126 năm Ngày Quốc tế lao động 1-5 và trao các phần thưởng cao quý của Nhà nước tặng các tập thể, cá nhân tại thành phố.

Đến dự buổi lễ có các đồng chí: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải; đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư TW Đảng, Chánh án TANDTC; nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; Lê Hoàng Quân, Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch UBND TP. Đến dự buổi lễ còn có các đồng chí đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, thành phố, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các vị lão thành cách mạng và đông đảo các tầng lớp nhân dân thành phố.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho TP Hồ Chí Minh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho TP Hồ Chí Minh.

Đọc diễn văn tại buổi lễ, đồng chí Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã ôn lại lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc, đặc biệt là hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước. Đồng chí khẳng định: Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người… Trong cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ đó, cán bộ, chiến sĩ, đồng bào Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định (nay là TP Hồ Chí Minh) luôn một lòng đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã chọn, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mưu trí, dũng cảm, góp phần cùng quân dân miền Nam “Thành đồng Tổ quốc” lập bao chiến công oanh liệt, góp phần giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.

Phát huy những thành quả to lớn của cách mạng, TP Hồ Chí Minh hôm nay đang tiếp tục cùng cả nước tiến hành xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, quyết tâm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ và mong muốn của nhân dân cả nước là xây dựng đất nước, xây dựng thành phố ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn… Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, thành phố tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm là: Ra sức xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nỗ lực, kiên trì giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, đảm bảo thực hiện tốt các vấn đề an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy kinh doanh ổn định, phát triển; tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, có khả năng cạnh tranh trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế; nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội…

Tại lễ mít tinh, thành phố đã trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Tiểu đoàn Bộ binh 3, Trung đoàn Gia Định; Ban Trí vận Mặt trận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 268, Phân khu 1 Sài Gòn - Gia Định và 6 liệt sĩ: Trang Văn Học, nguyên Trưởng ban Quân sự Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định; Lê Văn Nghề, nguyên Đội phó Đội võ trang Đoàn ủy học sinh Khu đoàn Sài Gòn - Gia Định; Nguyễn Sơn Hà, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn ủy học sinh, Khu đoàn Sài Gòn - Gia Định; Võ Thị Lớn, Đàm Thanh Quang, nguyên chiến sĩ lực lượng biệt động Khu Đoàn Sài Gòn - Gia Định; Nguyễn Thị Đen, nguyên chiến sĩ quân y huyện Duyên Hải (nay là Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Chính phủ đã trao tặng Cờ Thi đua dẫn đầu 5 thành phố trực thuộc Trung ương năm 2011 của Chính phủ cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP Hồ Chí Minh. Cũng tại lễ mít tinh, 1 tập thể, 2 cá nhân vinh dự được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì, 2 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba.

Thiếu tướng Nguyễn Chí Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II, Bộ Công an và đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực TP Hồ Chí Minh vinh dự được trao tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Thiếu tướng Nguyễn Chí Thành, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh vinh dự nhận Huân chương Chiến công hạng Ba… 1 tập thể và 3 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì và các văn nghệ sĩ được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú cũng được trao tại buổi lễ

Công an TP. Hồ Chí Minh quán triệt Điều lệ Đảng


Ngày 20/4, Đảng ủy Công an TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị quán triệt Điều lệ Đảng và các quy định, quyết định, hướng dẫn về thi hành Điều lệ Đảng khóa XI; về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; Quy định về những điều đảng viên không được làm.

Hội nghị quán triệt Điều lệ Đảng của Đảng ủy Công an TP. Hồ Chí Minh
Hội nghị quán triệt Điều lệ Đảng của Đảng ủy Công an TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: VL)

Thiếu tướng Nguyễn Chí Thành, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị.

Phát biểu Khai mạc Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Chí Thành nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu, quán triệt và nghiêm túc tổ chức thực hiện các quy định, quyết định, hướng dẫn về thi hành Điều lệ Đảng khóa XI, đặc biệt là Quy định về những điều đảng viên không được làm. Thiếu tướng Nguyễn Chí Thành yêu cầu các đại biểu nghiêm túc quán triệt, nắm vững Điều lệ Đảng và các quy định, quyết định, hướng dẫn về thi hành Điều lệ Đảng khóa XI để thực hiện.

Thiếu tướng Nguyễn Chí Thành khẳng định, việc ban hành các quy định trên nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng và giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, tính tiền phong gương mẫu của đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng; làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, được nhân dân tin yêu.

Chiến công thầm lặng của lực lượng hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát Công an TPHCM

Suốt chặng đường hơn nửa thế kỷ phấn đấu, trưởng thành, cán bộ chiến sĩ lực lượng hồ sơ Công an Nhân dân đã đóng góp phần công sức không nhỏ trong sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc và của ngành. 

Chặng đường vinh quang nhưng thầm lặng, trong suốt 55 năm qua cán bộ chiến sĩ lực lượng hồ sơ Công an Nhân dân nói chung và hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát nói riêng đã vượt lên gian khổ, hy sinh, nhất là trong thời kỳ trải qua hai cuộc kháng chiến vệ quốc ác liệt để thu thập, bảo quản, vận chuyển hồ sơ tài liệu phục vụ yêu cầu công tác. 

Công an TPHCM: Lần tìm đầu mối vụ án qua những tàng thư
Lần tìm đầu mối vụ án qua những tàng thư

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Công an Thành phố thành lập Phòng hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát (NVCS) và Phòng hồ sơ nghiệp vụ an ninh. Từ đó đến nay, lực lượng này đã kế thừa những kinh nghiệm của người đi trước và không ngừng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong việc quản lý, khai thác hồ sơ, trở thành điểm đầu mối để đồng đội phá án, nhất là trong những vụ trọng án mà mọi tang chứng tưởng như đã đi vào ngõ cụt. Như con ong chăm chỉ, cần mẫn và chu đáo, những chiến sĩ của Phòng hồ sơ NVCS ngày đêm tìm hiểu, nghiên cứu tàng thư, lần tìm trong hàng triệu chỉ bản của những dấu vân tay để tìm người thân cho các nạn nhân xấu số không giấy tờ tùy thân gặp nạn bất đắc kỳ tử được về với gia đình. Ngày ngày làm bạn với kính lúp, kính hiển vi, các anh các chị miệt mài "đọc" những vân tay nhạt nhòa vì dính máu của các vụ trọng án để lần tìm ra đầu mối, góp phần quyết định quan trọng trong những trận phá án ngoạn mục của đồng nghiệp, lôi hung thủ ra ánh sáng pháp luật. Còn nhớ vụ án mạng xảy ra tại khách sạn Q.T (quận 1) cách đây hơn 10 năm mà nạn nhân bị hung thủ nhẫn tâm chặt đầu. Vụ án là những dấu hỏi lớn và chỉ được trả lời sau bao ngày đêm lao động vất vả của các chiến sĩ đi tìm dữ liệu từ hàng triệu dấu vân tay trong tàng thư lưu trữ. Rất nhanh sau đó đầu mối vụ án đã hé mở khi xác định được nạn nhân là Ngũ Lương (SN 1958, ngụ quận 5). Mới đây nhất là vụ án giết người giấu xác vào bao tải vứt tại phường Linh Đông, quận Thủ Đức. Sau khi xác định nạn nhân là cô T.L.H.A, lực lượng công an nhanh chóng xác định hung thủ. Cuối năm 2011, kẻ giết người tên Nguyễn Hữu Tú (tự Bo, SN 1988, ngụ thị trấn Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, tạm trú quận Gò Vấp, TPHCM) bị bắt. Không chỉ lần tìm được các manh mối ban đầu của những vụ trọng án mà với nghiệp vụ sắc sảo, các cán bộ chiến sĩ Phòng hồ sơ NVCS còn tìm ra hàng loạt thông tin về các đối tượng truy nã đã thay tên đổi họ nhằm che giấu tội lỗi và tráo người làm CMND...

Công an TPHCM: Khối lượng công việc rất lớn của cán bộ chiến sĩ làm công tác tàng thư CMND
Khối lượng công việc rất lớn của cán bộ chiến sĩ làm công tác tàng thư CMND

Sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc đến những đóng góp to lớn của các cán bộ chiến sĩ làm công tác tham mưu nhằm triển khai kịp thời nhiều chỉ thị sát thực, cần kíp của Ban giám đốc Công an Thành phố và của Bộ Công an hoặc những chiến sĩ luôn có sáng kiến trong việc ứng dụng tin học vào quản lý hồ sơ tội phạm hay những chiến sĩ làm công tác tàng thư CMND... Và việc làm lặng lẽ nhưng có ý nghĩa xã hội lớn lao gần đây nhất là các cán bộ chiến sĩ của Phòng hồ sơ NVCS đã giúp đỡ những phóng viên của Đài Truyền hình Việt Nam làm chương trình truyền hình nhân đạo "Như chưa hề có cuộc chia ly", xác định đúng được người thân lưu lạc của nhiều gia đình đang cần tìm.

Với nhiều thành tích xuất sắc góp phần vào việc giữ gìn an ninh trật tự xã hội, thời gian qua Phòng hồ sơ NVCS đã vinh dự đón nhận Huân chương Chiến công hạng II, III; nhiều cán bộ chiến sĩ được nhận Huân chương Chiến công hạng I, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố, Tổng cục Cảnh sát và Ban giám đốc Công an TPHCM.

Một mình cả gan hành hung 2 Cảnh sát giao thông


Vi phạm giao thông, bị CSGT tuýt còi, tay giang hồ cả gan một mình xông vào hành hung 2 CSGT một cách táo tợn; tuy nhiên hắn đã bị bắt giữ tại hiện trường.

Chiều 16/3 thiếu tá Lê Văn Nhiên – đội trưởng đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, công an quận Thủ Đức, TP.HCM – xác nhận, cơ quan này đang tạm giữ hình sự đối tượng Trần Đình Thương (SN 1977, ngụ xóm Tân Lập, huyện Tân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, tạm trú tỉnh lộ 43, khu phố 1, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP.HCM) để điều tra, xử lý về hành vi “chống người thi hành công vụ”. Liên quan đến vụ án này, cùng ngày ban giám đốc công an TP.HCM đã chỉ đạo công an quận Thủ Đức điều tra, xử lý nghiêm để giáo dục, răn đe trong xã hội.

Đối tượng Trần Đình Thương tại công an quận Thủ Đức, TP.HCM
Bước đầu tại cơ quan công an, Trần Đình Thương khai nhận, bản thân đã vi phạm giao thông, nhưng đã hành hung 2 cán bộ của đội CSGT – Trật tự phản ứng nhanh, quận Thủ Đức vào sáng 15/3.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 10h30’ sáng 15/3, tổ tuần tra của đội CSGT – Trật tự phản ứng nhanh, công an quận Thủ Đức gồm 2 đồng chí là Nguyễn Trọng Thành và Nguyễn Đức Thành khi đang làm nhiệm vụ thì phát hiện Thương điều khiển xe gắn máy BKS: 51X3-0703 không đội nón bảo hiểm, lưu thông trên đường Linh Trung, hướng từ Nghĩa trang TP.HCM về ngã tư dệt Việt Thắng. Đồng chí Nguyễn Đức Thành thổi còi tín hiệu, yêu cầu Thương dừng xe để kiểm tra hành chính nhưng đối tượng Thương không chấp hành mà điều khiển xe tháo chạy.

Tổ tuần tra dùng mô tô chuyên dụng truy khoảng 200m, khi đến ngã tư dệt Việt Thắng, 2 CSGT ép xe được Thương vào lề. Khi đồng chí Nguyễn Đức Thành xuống xe yêu cầu Thương xuất trình giấy tờ xe để kiểm tra thì Thương cũng xuống xe nhưng chửi thề lại lực lượng nhiệm vụ.

Tên Thương dùng tay đánh vào đầu đồng chí Nguyễn Đức Thành, rồi dùng tay giật đứt 2 cầu vai, cúc áo trên cùng của CSGT này. Hung hãn, Thương còn dùng chân đá mạnh vào mặt đồng chí Nguyễn Đức Thành.

Khi đồng chí Nguyễn Trọng Thành xông vào hỗ trợ đồng nghiệp thì bị Thương dùng tay đánh, giật đứt 2 cầu vai, đứt cúc áo.

Nhưng lúc này 2 CSGT đã trấn áp, khống chế Thương. Sau đó tổ tuần tra đã liên hệ với công an phường Linh Trung, quận Thủ Đức đến hiện trường lập biên bản vi phạm quả tang. Hiện vụ án đang được công an quận Thủ Đức thụ lý điều tra, xử lý.

Chuyển biến mạnh trong văn hóa ứng xử vì nhân dân phục vụ


Ngày 15/3, Công an TP Hồ Chí Minh đã sơ kết 1 năm thực hiện cuộc vận động “CAND chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”. Đến dự có Trung tướng Nguyễn Minh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND.
Trong năm qua, Công an TP Hồ Chí Minh đã bám sát vào các nội dung trọng tâm theo chỉ đạo của Bộ Công an, đồng thời đề ra nhiều nội dung, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế xây dựng lực lượng; xác định việc chấp hành nghiêm điều lệnh là nội dung trọng tâm làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Qua tổ chức khảo sát bí mật, việc ứng xử của cán bộ, chiến sĩ có nhiều chuyển biến rõ nét: cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ thường xuyên tiếp xúc với nhân dân ở các đơn vị, Công an quận, huyện, phường, xã, thị trấn có thái độ tiếp dân niềm nở, tận tình với nhân dân...

Đến nay, đa số cán bộ, chiến sỹ Công an TP Hồ Chí Minh có ý thức tự giác rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, nêu cao tinh thần “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, tận tụy trong công việc, chấp hành tốt kỷ cương, kỷ luật, tích cực công tác, chiến đấu, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh trật tự ở TP Hồ Chí Minh. Sai phạm kỷ luật được kéo giảm, nhiều cán bộ, chiến sỹ nêu gương liêm khiết không nhận hối lộ.

Từ tháng 4/2011 đến nay có 253 tập thể, 1.094 cá nhân lập thành tích xuất sắc được các cấp khen thưởng. Chỉ riêng lực lượng CSGT đường bộ có 2.943 lượt cán bộ, chiến sỹ không nhận hối lộ 774,7 triệu đồng, có 108 đồng chí được Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh tặng giấy khen.

Lâu đài Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đâu là sự thật?


Kính gửi Ban biên tập website http://nguyentandung.org

Tôi là một sinh viên, đang theo học trong ngành Công nghệ thông tin. Tôi hết sức bức xúc trước việc hiện nay các trang web, blog phản động đang thi nhau đăng tải các bài, xuyên tạc Lãnh đạo Đảng, Nhà nước một cách trắng trợn và nhảm nhí. Tôi xin gửi Ban Biên Tập bài viết “Sự thật về Lâu đài của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”

*****

Sự thật về Lâu đài của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Hiện nay trên mạng internet, các trang web, blog phản động như “Dân Làm báo”, “baohoasen”, “tintuchangngay”, “webdoithoai”, “boxitvn” … đang thi nhau đăng tải và thêm mắm, thêm muối bài viết với tiêu đề “Ngắm Biệt Thự Mới Xây Của Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng”.

Trích đoạn: “Căn biệt thự mà thủ tướng Việt Nam đang sở hửu – được xây dựng từ năm 2000 mang đậm phong cách cổ điển châu Âu với đầy đủ những cơ sở vật chất cho một cuộc sống xa hoa như bể bơi, sân vườn, spa..và đặc biệt mặt tiền của ngôi nhà quay ra hướng vịnh với khung cảnh biển thoáng đạt.”

Tôi thấy Bài viết trên đang làm cho người dân hiểu lầm nghiêm trọng. Vì hầu hết người dân thường rất tò mò với các thông tin riêng tư của Lãnh đạo đất nước hoặc những người nổi tiếng. Đặc biệt các bạn sinh viên, học sinh rất dễ tin và bất mãn với chế độ và Lãnh đạo đất nước khi tiếp nhận các thông tin kiểu này.

Để tìm làm rõ sự thật hư vấn đề này, Tôi quyết định tìm hiểu:

Những gì đang diễn ra?

Các bạn có thể search trên google với từ khóa “Ngắm Biệt Thự Mới Xây Của Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng” . Ngay lập tức Google sẽ liệt kê hàng chục đường dẫn của các trang web, blog phản động đăng bải bài viết này.

Hàng chục đường dẫn của các trang web, blog phản động đăng bải bài viết này.

Qua tìm hiểu, tôi thấy bài viết trên được phát tán trên mạng vào ngày 10/3/2012, đang được các trang web, blog phản động thi nhau đăng lại bài viết trên.

Đặc biệt, tôi còn thấy có cả Video mô tả cụ thể Lâu đài này và xuyên tạc là của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng do tài khoản Vnh20 đăng tải tại  http://www.youtube.com/watch?v=t5Gx2B9EEIs được upload ngày 7/8/2011 (trước thời điểm bài viết trên được phát tán 10-3-2012 so với ngày 7/8/2012 là hơn 7 tháng) với dung xuyên tạc trắng trợn và nhảm nhí.

Hình được chụp từ video đã lắp ghép thô thiển bằng mắt thường ai cũng có thể nhận biết.

Ngoài ra, Bài viết “Nguyễn Tấn Dũng Bán Nước Mua Lâu Đài” được đăng bởi “nguoithathoc1959″ từ tháng 8/2011 đưa tin ông Nguyễn Tấn Dũng là chủ sở hữu một tòa lâu đài ở Ả Rập với những hình ảnh như trên .

Tòa lâu đài được nói đến trong bài viết

Toàn bài viết  “Nguyễn Tấn Dũng Bán Nước Mua Lâu Đài” với lời lẽ lắp ghép, bôi nhọ Lãnh đạo, xuyên tạc đến mức nhảm nhí. Thể hiện bản chất phản động của các trang web trên.

Đâu là sự thật?

Theo tôi tìm hiểu, Lâu đài này thuộc về bà Benazir Bhutto của Pakistan hoặc là của Pvldarhayy, một người ở Iran

Thứ nhất, Toà lâu đài này thuộc về một người Iran là Pvldarhayy sống tại Teheran, Căn biệt thự này được BBC so sánh là to và đẹp ngang với Nhà Trắng của Mỹ. Tham khảo tại

http://umic.ir/index.php?option=com_content&task=view&id=889&Itemid=318

Hình ảnh mô tả Lâu đài này của một người ở Iran

Thứ hai, Tòa lâu đài này được cho là thuộc về Bà Benazir Bhutto (Bà Benazir Bhutto, hai lần làm thủ tướng Pakistan (1988–1990; 1993–1996) và sau đó là lãnh đạo của đảng đối lập Đảng Nhân dân Pakistan, đã bị ám sát ngày 27 tháng 12 năm 2007).

Các bạn hãy tìm kiếm (search) trên google với từ khóa “Benazir Bhutto Palace Dubai”. Ngay lập tức Google liệt kê hàng chục đường dẫn tới Tòa lâu đài này. Các bạn hãy so sánh các hình ảnh và video để biết sự thật mà các tổ chức và cá nhân phản động đang xuyên tạc nhảm nhí đến mức nào:

Google liệt kê hàng chục đường dẫn tới Tòa lâu đài này của Bà Benazir Bhutto.

Sau đây là các địa chỉ mô tả về Lâu đài của Bà Benazir Bhutto mà các bạn có thể tham khảo:

http://sweet-wallpapers.weebly.com/benazirs-palace-in-dubai.html
http://www.paklinks.com/gs/images-central/284704-late-benazir-bhuttos-house-in-dubai.html
http://khangeee.blogspot.com/2010/12/benazir-bhutto-palace-dubai-exclusive.html
http://sweet-wallpapers.weebly.com/benazirs-palace-in-dubai.html

Còn đây là video mô tả Lâu đài này của bà Benazir Bhutto

(Benazir Palace In Dubai) http://www.youtube.com/watch?v=XuBziEAvy38 được u2ubex upload vào ngày 4/2/2009

Video mô tả Lâu đài này của bà Benazir Bhutto

(Benazir Palace In Dubai) http://www.youtube.com/watch?v=l0aRixNIWxI  được 07Bilawal upload 16/3/2010

video mô tả Lâu đài này của bà Benazir Bhutto

Tôi đã đăng lại tại đây để bạn đọc tham khảo:

- (Benazir Bhutto’s Palace in Dubai) http://www.youtube.com/watch?v=BXPsXvde3Mo

- (The Bhutto’s Palace family’s cribs, Let’s see what’s inside) http://www.youtube.com/watch?v=fTQvFi5_S_A

Tôi thấy các tổ chức, cá nhân phản động đang ra sức phát tán thông tin này và rất nhiều thông tin khác để bôi nhọ Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đánh lừa nhân dân. Nhưng hành động này càng làm cho họ nhảm nhỉ và nực cười.

Cứ đà này không biết mai mốt họ có nói White House, hay điện Kremli là của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không nữa.

Thân ái

Nguyễn Văn Trung
Hà Nội, ngày 12 tháng 3 năm 2012


Mất mạng do không đội mũ bảo hiểm, tông vào dải phân cách


Liên quan đến một bài báo tại TP Hồ Chí Minh đăng tải với tiêu đề “CSGT bị tố làm chết người” nạn nhân là anh Lưu Vân Thảo (SN 1992, ngụ Bình Tân) tử vong lúc 14h ngày 4/3. Chiều 9/3, sau khi điều tra làm rõ, đại diện Ban giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, nạn  nhân Thảo tử vong không phải do CSGT dùng gậy điều khiển giao thông đánh chết như báo đã đăng tải. Nguyên nhân dẫn đến cái chết của anh Thảo là do điều khiển phương tiện với tốc độ cao, không đội MBH, Thảo đã tông vào dải phân cách bị đa chấn thương và chết tại bệnh viện.

Theo hồ sơ điều tra, khoảng 2h ngày 4/3, Đội CSGT Phú Lâm phân công đồng chí Thiếu tá Nguyễn Văn Dẫn làm tổ trưởng phụ trách tổ công tác gồm 12 đồng chí CSGT, 5 đồng chí CSCĐ, 4 đồng chí CS113 chia làm 4 nhóm tham gia phòng chống thanh thiếu niên tụ tập gây rối TTCC trên địa bàn. Đồng chí Dẫn trực tiếp điều hành một tổ chốt chặn tại khu vực vòng xoay Cây Gõ (địa bàn giáp ranh giữa quận 6 và quận 11). Khoảng 3h30’ ngày 4/3, Thảo điều khiển xe gắn máy chạy với tốc độ cao, không đội MBH từ đường Minh Phụng ra đường Hồng Bàng. Khi thấy lực lượng chốt chặn, Thảo lách xe lấn trái qua làn đường Hồng Bàng bỏ chạy khoảng 45m thì đụng vào dải phân cách trước số nhà 680, Hồng Bằng, phường 2, quận 11 ngã xuống bất tỉnh.

Phát hiện Thảo bị nạn, tổ công tác đã dừng một xe tải và yêu cầu người nhà cùng lên xe đưa Thảo đi cấp cứu. Tại hiện trường đồng chí Dẫn đánh dấu hiện trường nơi xảy ra tai nạn thì Nguyễn Hồng Hưng (26 tuổi, ngụ quận 6, người nhà của Thảo) nồng nặc mùi rượu đến kéo chiếc xe của Thảo ra khỏi hiện trường đồng thời dùng những lời lẽ, hành động gây áp lực với tổ công tác. Đồng chí Dẫn đã liên hệ yêu cầu Công an phường 2, quận 11 đến xử lý theo chức năng.

Ngày 7/3, Phòng PC44, PC45, Công an quận 11 phối hợp với viện KSND TP, Trung tâm Pháp y thành phố tiến hành khám nghiệm tử thi nạn nhân Lưu Vân Thảo. Kết quả khám nghiệm cho thấy Thảo bị gãy lìa cột sống, dập vỡ đại tràng, các quai ruột dập nhiều chỗ. Qua điều tra cho thấy trước khi gặp nạn hàm lượng rượu trong người Thảo là 178mg/100ml. Như vậy Thảo tử vong là do sợ bị lực lượng CSGT lập biên bản nên phóng với tốc độ cao, đầu không đội MBH và va chạm vào dải phân cách văng ra khỏi vị trí va chạm khoảng 15m gây ra đa chấn thương và chết tại bệnh viện. Việc người nhà nạn nhân Thảo tố cáo CSGT dùng gậy đánh chết người là không có cơ sở.

Đoàn thanh niên Công an TPHCM với chương trình “Giọt máu nghĩa tình” lần 1-2012


Ngày 9/3, Ban công tác Thanh niên Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức đợt vận động tình nguyện hiến máu nhân đạo với chủ đề “Giọt máu nghĩa tình” lần 1-2012.

Chương trình được sự tham gia của 408 cán bộ, chiến sỹ là đoàn viên, thanh niên các phòng ban, quận, huyện thuộc Công an thành phố hưởng ứng và Ban tổ chức đã nhận được 560 đơn vị máu bổ sung ngân hàng máu cứu người. Theo kế hoạch, ngày 10/3, sẽ có thêm 400 cán bộ, chiến sỹ, học viên sẽ tiếp tục tham gia chương trình này.

Thiếu tá Bùi Công Tú, Trưởng ban Thanh niên Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết: Thực hiện chương trình “Giọt máu nghĩa tình” là một trong những hoạt động thiết thực của tuổi trẻ Công an thành phố, nhằm hưởng ứng Tháng Thanh niên (3-2012), hướng tới kỷ niệm 81 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; chào mừng Đại hội Đoàn các cấp trong lực lượng Công an TP Hồ Chí Minh và hướng đến chào mừng Đại hội Đoàn thành phố và toàn quốc.

Ban giám đốc Công an TPHCM: Chúc mừng Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng phía nam


Nhân kỷ niệm 53 năm ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân vũ trang nay là Bộ đội biên phòng (3-3-1959 - 3-3-2012), sáng 2-3-2012, thiếu tướng Lê Đông Phong - Phó giám đốc CATP dẫn đầu đoàn công tác gồm chỉ huy một số phòng, ban thuộc CATP đã đến tặng hoa, chúc mừng Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng (BĐBP) phía nam. Đồng chí Lê Đông Phong đã gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới lãnh đạo, cán bộ chiến sĩ Bộ tư lệnh BĐBP nhân ngày truyền thống của lực lượng, ghi nhận sự hợp tác khắng khít trong công tác của hai lực lượng từ trước đến nay. Thiếu tướng Nguyễn Phước Lợi, Phó tư lệnh phụ trách Bộ tư Lệnh BĐBP phía nam cho rằng công an và BĐBP dù ở đâu, bất kỳ trong lĩnh vực nào, mối quan hệ gắn bó mật thiết đó cũng được phát huy để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và giữ gìn an ninh trật tự mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đồng chí Nguyễn Phước Lợi thay mặt Đảng ủy, Bộ tư lệnh, BĐBP cảm ơn Đảng ủy, Ban giám đốc CATP về những tình cảm tốt đẹp trên, đồng thời chúc các đồng chí lãnh đạo, cùng toàn thể cán bộ chiến sĩ Công an TPHCM dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và đạt nhiều thắng lợi hơn nữa trong nhiệm vụ cao cả của mình.

Lãnh đạo Công an thành phố tặng hoa chúc mừng Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng phía nam
Cùng ngày, thiếu tướng Lê Đông Phong cũng đã đến thăm, tặng hoa và chúc mừng Bộ chỉ huy BĐBP TP.Hồ Chí Minh nhân ngày truyền thống.

Cao ốc Sài Gòn là 'thủ phạm' gây mất trật tự giao thông

Với 65 trên tổng số 79 cao ốc không đủ diện tích đậu xe, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Trần Quang Phượng khẳng định chính những tòa nhà này đã để xe trên vỉa hè, tràn ra lòng đường gây mất trật tự giao thông. 

Chiều 1/3, kỳ họp thứ tư HĐND TP HCM tiếp tục với phiên chất vấn về chuyên đề an toàn giao thông. Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Quang Phượng và Phó giám đốc Công an thành phố Ngô Minh Châu đã bị truy về việc các cao ốc thiếu bãi đậu xe, xây dựng bãi giữ xe ngầm, xử phạt "nguội" qua camera ghi hình...

Cảnh sát giao thông xử phạt ôtô đậu dưới lòng đường trước một cao ốc văn phòng ở quận 3 (TP HCM). Ảnh: Tá Lâm.

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Văn Lâm khẳng định, nhiều cao ốc chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để làm nơi đỗ xe. "Hiện nay, bao nhiêu phần trăm nhà cao tầng đảm bảo diện tích để xe? Chất lượng những bãi giữ xe này ra sao?", ông Lâm đặt vấn đề.

Tỏ vẻ bối rối, Giám đốc Sở Giao thông nói: "Chúng tôi sẽ nắm lại thông tin rồi báo cáo sau, chưa thể trả lời ngay".

Không đồng ý với cách trả lời của ông Trần Quang Phượng, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Giám đốc Sở Giao thông và UBND thành phố làm rõ vấn đề này. "Không thể trả lời 'chưa thể báo cáo', 'sắp tới'... như thế được", bà Tâm nói.

Trước sự "nhắc nhở" này, ông Phượng mới cho biết, hiện thành phố có 79 cao ốc ở trung tâm trên các tuyến đường như Nguyễn Thị Minh Khai, Cách Mạng Tháng 8, Nguyễn Bỉnh Khiêm... Trong đó 59 cao ốc không đủ diện tích đậu xe và 6 tòa nhà không có chỗ để xe. "Chính những công trình này đã để xe trên vỉa hè, tràn ra lòng đường gây mất trật tự giao thông", Giám đốc Sở kết luận.

Theo ông Phượng, đầu năm nay, UBND thành phố đã giao cho UBND các quận, huyện và Sở Xây dựng chấn chỉnh. Cụ thể, chỉ cấp phép xây dựng các cao ốc văn phòng, chung cư cao tầng, các cơ sở dịch vụ... khi đảm bảo diện tích đậu xe.

"Đỡ" cho cấp dưới, Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân khẳng định, kiên quyết không cấp phép xây dựng các dự án chung cư cao tầng, cao ốc văn phòng, cơ sở dịch vụ... không có bãi đậu xe.

Với thái độ khá gay gắt, một đại biểu đặt vấn đề: "Từ lâu, TP HCM đã có phương án xây các bãi xe ngầm song đến nay vẫn án binh bất động. Thành phố xử lý thế nào và đến bao giờ thì khởi công?".

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thừa nhận các dự án bãi giữ xe ngầm chậm tiến độ là do vướng thủ tục, thậm chí có công trình mất đến 7 năm nay vẫn chưa xong. Thời gian qua, UBND thành phố đã có nhiều chủ trương vận động khuyến khích người dân xây dựng bãi đỗ xe nhưng đến nay thành phố vẫn chưa cho ra đời bãi nào.

Hiện nay, 4 dự án bãi đậu xe ngầm được triển khai tại công viên Lê Văn Tám, công viên Tao Đàn, sân khấu Trống Đồng và sân vận động Hoa Lư. Trong đó, hai dự án xây dựng bãi giữ xe ngầm sẽ được khởi công trong năm nay. Khi hoàn thành, những nơi này sẽ giải quyết chỗ đậu cho khoảng 3.500 xe máy và 4.900 ôtô.


Cũng trong kỳ họp này, nhiều đại biểu đề nghị tăng cường xử phạt "nguội" qua camera ghi hình. Phó giám đốc Công an thành phố Ngô Minh Châu cho biết, trong năm 2011, cơ quan chức năng đã xử phạt "nóng" qua hình ảnh trên 47.000 trường hợp và phạt "nguội" 15.300 trường hợp.

Theo ông Châu, công an thành phố đã sử dụng 10 máy quay phim và đang xin UBND thành phố cấp thêm 15 máy quay nữa. Lực lượng này không bố trí đứng một chỗ mà luôn di chuyển. Ngoài ra, thành phố sẽ tăng cường máy đo nồng độ cồn để xử phạt người uống rượu bia. Năm nay sẽ mua thêm 102 máy đo nồng độ cồn (hiện có 93 máy). Máy bắn tốc độ cũng được đầu tư bổ sung.

Song song với việc đầu tư trang thiếu bị, công an thành phố cũng nhanh chóng đào tạo CSGT, từ 2008 đến cuối năm nay sẽ tăng thêm 1.000 người.

Cần "nói không" với đồ gian để kéo giảm tội phạm

Để triệt xóa "đầu ra" của bọn tội phạm, cơ quan Công an rất cần sự giúp sức của người dân, nhất là các chủ tiệm vàng, cầm đồ, cửa hàng mua bán ĐTDĐ… trong việc "nói không" với đồ gian cũng như nâng cao cảnh giác để tránh bị sập bẫy bọn tội phạm làm giấy tờ giả mang đồ gian đi tiêu thụ…

Mỗi năm, T.P HCM xảy ra hàng ngàn vụ cướp của, cướp giật và trộm cắp (riêng năm 2011 xảy ra 428 vụ cướp của, 1.265 vụ cướp giật và 2.764 vụ trộm) nên lượng tài sản (chủ yếu xe gắn máy, ĐTDĐ và vòng vàng) là đồ gian rất lớn. Qua thực tế các vụ án đã được khám phá thì hầu hết tài sản trộm, cướp được bọn tội phạm đều tiêu thụ một cách trót lọt.
Do vậy, để triệt xóa "đầu ra" của bọn tội phạm, bên cạnh tăng cường công tác phát hiện, xử lý nghiêm những kẻ tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, cơ quan Công an rất cần sự giúp sức của người dân, nhất là các chủ tiệm vàng, cầm đồ, cửa hàng mua bán điện thoại di động (ĐTDĐ)… trong việc "nói không" với đồ gian cũng như nâng cao cảnh giác để tránh bị sập bẫy bọn tội phạm làm giấy tờ giả mang đồ gian đi tiêu thụ…

Đường đi của đồ gian

Giữa năm 2010, đường dây trộm cắp và tiêu thụ xe gian (xe gắn máy) liên tỉnh với quy mô lớn do đối tượng Nguyễn Ngọc Hoàn (48 tuổi; ngụ 40/7A, Phạm Văn Chiêu, phường 12, Gò Vấp) cầm đầu bị triệt xóa.
Tuy hoạt động mới nửa năm nhưng băng tội phạm này đã tiêu thụ hơn 1.000 xe gian với cùng một phương thức. Hoàn khai, sau khi mua xe của các đối tượng trộm cắp ở TP HCM và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương… y sẽ giao cho hai "đệ tử ruột" là Nguyễn Trung Hiếu (31 tuổi; ngụ Tân Chánh Hiệp, quận 12) và Nguyễn Quang Thành (32 tuổi; quê quán Hà Tĩnh) mang xe đến một trong ba địa điểm bí mật để cất giấu.

Nguyễn Ngọc Hoàn, đối tượng cầm đầu băng tiêu thụ hơn 1.000 xe gian cùng tang vật.
Khi số lượng xe kha khá, Hoàn sẽ đặt hàng cho Trần Đức An (37 tuổi; ngụ quận 12, T.P HCM) làm giấy tờ giả (gồm giấy đăng ký xe, giấy CMND và giấy chứng thực mua bán) rồi giao xe cho các đồng bọn gồm Thành, Oai, Tuấn, Vịnh, Ngọc, Hà mang đi cầm hoặc đem bán. Đến nay, cơ quan Công an đã thu hồi được gần 150 chiếc xe gắn máy các loại.
Tương tự là băng nhóm tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có, làm giả con dấu, tài liệu cơ quan nhà nước do Nguyễn Bá Hiếu và đồng bọn gây ra nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản các tiệm cầm đồ. Khi bị Công an quận Tân Phú bắt giữ, Hiếu khai, sau khi mua, y bỏ ra khoảng 2 triệu đồng để làm bộ hồ sơ gồm giấy đăng ký xe, CMND giả rất tinh vi khó phát hiện bằng mắt thường.
Tiếp đó, Hiếu chỉ đạo đàn em trực tiếp mang xe đến tiệm cầm đồ cầm với giá từ 17 đến 25 triệu đồng. Trong số 5 tiệm cầm đồ bị sập bẫy băng của Hiếu có một tiệm cầm đồ trên đường 3-2 (phường 16, quận 11) bị "dính" đến 4 chiếc Air Blade, thiệt hại 100 triệu đồng.
Ngoài việc giấy tờ cầm cố theo xe được làm giả, các đối tượng này còn cạo sửa số khung số máy hiển thị trên giấy đăng ký xe thật (do chúng mua được từ những người bị mất xe) sao cho trùng khớp rồi mang cầm hoặc bán và đều thực hiện trót lọt.
Một kiểu tiêu thụ xe gian khác đó là phương thức hoạt động của băng tội phạm do Phan Văn Khanh (Khanh "tóc dài", quê quán Đức Huệ, Long An) cầm đầu bị Phòng PC 45, Công an T.P HCM bắt giữ vào tháng 3/2011.
Khi cần xe gian, Khanh "tóc dài" sẽ điện thoại cho một "siêu" trộm là Hoàng Văn Đông (28 tuổi; quê quán huyện Đô Lương, Nghệ An) để đặt hàng. Sau khi trộm được Đông giao xe liền cho Khanh và Khanh cũng trao tay ngay cho một đối tượng người Camphuchia để "chẻ" về Đức Hoà (Long An) rồi đưa sang Campuchia theo đường tiểu ngạch.

Những khuyến cáo của cơ quan Công an

Theo các điều tra viên, trinh sát thuộc Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm (Đội 3) và Đội chống trộm cắp, lừa đảo (Đội 4), Phòng PC45, Công an T.P HCM thì đồ gian dễ dàng tiêu thụ nhất hiện nay là ĐTDĐ và vàng. Bởi lẽ theo quy định hiện hành thì việc bán vàng, ĐTDD cùng nhiều tài sản khác thì người bán không phải chứng minh mình là chủ sở hữu.
Do vậy để chứng minh ý thức chủ quan của chủ tiệm vàng, cửa hàng mua bán ĐTDĐ trong việc mua đồ gian là rất khó. Điển hình như tiệm vàng K.T.S ở quận Bình Tân, nơi tiêu thụ đồ gian của nhiều băng tội phạm trong nhiều năm qua nhưng đến nay người chủ tiệm này vẫn chưa một lần bị xử lý.
Khi được cơ quan Công an mời làm việc, bà D., chủ tiệm cũng thừa nhận mình có mua hàng chục sợi dây chuyền bị đứt của khách hàng nhưng khăng khăng bảo mình mua nhầm chứ không hề có chủ ý mua tài sản do người khác phạm tội mà có. Tương tự là ông Th., chủ cửa hàng ĐTDĐ C. Th. (quận Bình Tân), chuyên mua ĐTDĐ của nhiều băng cướp nhưng ông ta cũng bảo "mua nhầm"…
Tuy nhiên, sau khi điều tra và chứng minh được rằng bà D. không mua nhầm (vì các tên cướp đều là mối quen của tiệm vàng K.T.S. và cửa hàng C.Th. và bà D., ông Th. mua vàng, ĐTDĐ với giá rất "bèo"), Cơ quan CSĐT Công an T.P HCM ra quyết định khởi tố bị can nhưng Viện Kiểm sát nhân dân T.P HCM không phê chuẩn.
Còn tiêu thụ đồ gian là xe gắn máy, do quy định người bán phải chứng minh chủ sở hữu và phải hoàn tất thủ tục sang tên nên bọn tiêu thụ dùng các thủ đoạn mà chúng tôi đã đề cập ở trên. Do vậy để triệt xóa "đầu ra" này, bên cạnh tăng cường công tác chống (phát hiện và truy bắt) thì phòng là yếu tố mang lại hiệu quả cao nhất.
Thiếu tá Nguyễn Phú Xuân, Đội phó Đội 4, PC45, Công an TP HCM khuyến cáo: "Nhiều người dân hiện nay khi mua lại xe cũ thường chỉ cần giấy đăng ký xe mà không làm thủ tục sang tên. Mà như vậy thì rất dễ mua nhầm xe giấy tờ giả, khi bị phát hiện không chỉ mất tiền mà nhiều trường hợp còn bị khởi tố.
Riêng các tiệm cầm đồ cần phải cẩn trọng trong việc thẩm định tài sản trước khi cầm cố. Đó là buộc người cầm phải xuất trình được hộ khẩu, CMND đồng thời dùng kính lúp soi dấu vân tay thì dễ dàng phát hiện dấu hiệu bất thường. Chỉ cần có ý thức như vậy thì sẽ tránh được hậu quả xấu có thể xảy ra".
Bên cạnh khuyến cáo này, thời gian vừa qua Ban Giám đốc Công an TP HCM cũng có văn bản chỉ đạo địa phương cần phải tuyên truyền vận động đi vào chiều sâu đối với các chủ tiệm vàng, cầm đồ, cửa hàng điện thoại di động… để họ có ý thức hơn trong việc phát hiện kẻ nghi vấn và báo cho cơ quan Công an xử lý.

Tập trung xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ

Vụ cháy chợ Quảng Ngãi vẫn còn âm ỉ trong lòng người dân cả nước. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi ngắn với Thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TPHCM xoay quanh những giải pháp tăng cường công tác PCCC tại TP.

Phóng viên: Thưa đồng chí, sau vụ cháy chợ Quảng Ngãi, lực lượng PCCC TPHCM đã tổ chức kiểm tra các chợ trên địa bàn chưa? Khi phát hiện sai phạm sẽ xử lý như thế nào?

Thiếu tướng Trần Triều Dương: Từ tháng 10-2010, Thành ủy, UBND TPHCM đã ban hành Chỉ thị 23 với nội dung tăng cường PCCC tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Hiện nay, chúng tôi đang mở đợt tổng kiểm tra về an toàn PCCC tại các địa điểm trên. Hiện đang là thời điểm lực lượng công an hưởng ứng thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, do vậy, công tác kiểm tra còn được tổ chức thường xuyên và nghiêm ngặt hơn. Tuy chưa có số liệu thống kê đầy đủ nhưng đáng mừng là các chợ, trung tâm thương mại ở TPHCM đã có một bước chấn chỉnh tình hình; đội bảo vệ và lực lượng PCCC tại chỗ đã có ý thức và chuyển biến tốt. Sau một thời gian dài hướng dẫn, họ đã tự kiểm tra cũng như tổ chức diễn tập. Tuy nhiên, qua theo dõi, chúng tôi đã phát hiện một số sơ hở, sai sót và qua phúc tra, phần lớn sai sót đó đã được họ khắc phục.

Vậy những thiếu sót trong công tác PCCC như Báo SGGP đã nêu sẽ được khắc phục như thế nào?

Chúng tôi cảm ơn Báo SGGP đã phản ánh những thiếu sót ở một số chợ về công tác PCCC. Sau khi đọc bài báo, tôi đã chỉ đạo các cơ quan nghiệp vụ kiểm tra lại và phải khắc phục, xử lý tức thời. Điều đáng ghi nhận là thời gian qua, nhiều chợ đã không ngần ngại đầu tư kinh phí để làm lại hệ thống điện và mua sắm bình chữa cháy, xây dựng hầm nước. Vấn đề cần rút kinh nghiệm là lực lượng bảo vệ, dân phòng, bảo vệ dân phố, đội PCCC cơ sở, chuyên ngành cần rèn luyện thêm chuyên môn, thực hiện nghiêm chỉnh công tác canh gác, tuần tra. Chúng tôi chia sẻ với khó khăn của các tiểu thương nhưng không vì thế mà lơ là, mất cảnh giác với PCCC được.

Không ít tiểu thương vẫn xem nhẹ công tác PCCC và xem đó là nhiệm vụ, trách nhiệm của lực lượng cảnh sát PCCC hay ban quản lý chợ. Công tác PCCC đâu chỉ là nhiệm vụ riêng của lực lượng cảnh sát PCCC hay của bảo vệ trung tâm thương mại? Vấn đề này cho thấy ý thức của một số tiểu thương đối với công tác PCCC chưa cao và đòi hỏi chúng tôi phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền.

TPHCM học tập mô hình trấn áp tội phạm của Hà Nội

Sau thành công từ mô hình trấn áp tội phạm và tệ nạn xã hội của công an Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ đề nghị công an 7 tỉnh thành, trong đó có TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, nghiên cứu học tập.

Sáng 23/2, Công an Hà Nội tổng kết 6 tháng triển khai lực lượng kiểm tra, xử lý các trường hợp điều khiển xe máy, ôtô lạng lách đánh võng, chở người sai quy định... mang theo vũ khi khi tham gia giao thông. Công an 7 tỉnh thành gồm TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Đồng Nai cũng có mặt.

Theo Công an Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2011, tội phạm hình sự trên địa bàn diễn biến phức tạp. Giám đốc công an thành phố quyết định mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm và tệ nạn xã hội, trong đó thành lập 5 tổ công tác đặc biệt (gồm cảnh sát hình sự, giao thông và cơ động) để kiểm tra, phát hiện xử lý người đi xe máy, ôtô vi phạm luật giao thông, có dấu hiệu phạm tội.

50 cán bộ này được đào tạo về kỹ năng xử lý, giải quyết tình huống có thể xảy ra trong khi làm nhiệm vụ và được trang bị đầy đủ công cụ hỗ trợ, như dùi cui điện, khóa số 8, bộ đàm... Địa bàn những cảnh sát "đặc biệt" hoạt động chủ yếu ở một số quận nội thành và các tuyến đường phức tạp.

Số hung khí tổ công tác đặc biệt của công an Hà Nội thu giữ thời gian qua. Ảnh: Thái Thịnh. 
"Có thêm lực lượng này, Tết Nhâm Thìn vừa qua Hà Nội không xảy ra đua xe trái phép, không có pháo nổ. Người dân được đón cái Tết yên vui nhất từ trước đến nay...", Thứ trưởng Công an Phạm Quý Ngọ nhấn mạnh.

Thống kê sơ bộ, trong 6 tháng triển khai mô hình, công an Hà Nội đã kiểm tra, xử lý gần 12.000 trường hợp vi phạm; thu giữ hàng trăm dao kiếm, súng, bình xịt hơi cay... Hơn 50 người vi phạm đã bị khởi tố.

Lãnh đạo công an thành phố cho biết, phạm pháp hình sự giảm 1,5% so với 6 tháng trước đó, riêng trọng án giảm 9%; chống người thi hành công vụ giảm 2,1%; cướp giật giảm gần 30%.

Đánh giá cao mô hình sáng tạo của Công an Hà Nội, trung tướng Phạm Quý Ngọ đề nghị 7 tỉnh thành phố cần tiếp tục nghiên cứu thí điểm thành lập mô hình giống công an Hà Nội để trấn áp các loại tội phạm... Ông Ngọ cũng yêu cầu công an Hà Nội cần triển khai mô hình này xuống cả các huyện ngoại thành và làm đến khi nào không còn tội phạm.

Sáng cùng ngày, nhiều cá nhân, tập thể được lãnh đạo Bộ Công an, UBND TP Hà Nội, Công an Hà Nội trao tặng Huân chương chiến công hạng ba, Bằng khen của Thủ tướng và Bộ Công an vì có thành tích trong đợt triển khai tấn công trấn áp tội phạm.

Những cuộc phá án trên đại lộ

Những chiếc xe lao như tên bắn dưới ánh đèn vàng vọt. Sau vài phút bị truy đuổi, 3 gã thanh niên bặm trợn ngã sõng xoài trên đại lộ dưới sự khống chế của trinh sát hình sự TP HCM.

Trong năm qua, Công an TP HCM liên tiếp nhận được trình báo của các nạn nhân bị cướp tài sản trên tuyến Đại lộ Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh... Sáng 5/6/2011 nhận được tin báo, cảnh sát đến khu phố 3, phường An Lạc, quận Bình Tân thì thấy anh Nguyễn Đức Anh Khoa (36 tuổi, ngụ quận 8) nằm chết bên vệ đường với nhiều vết đâm. Cạnh bên là chiếc kéo dính đầy máu nghi là hung khí gây án, xe máy của anh Khoa không còn tại hiện trường.

Qua lời khai các nạn nhân từng bị cướp trên tuyến đường này, cảnh sát cho rằng có thể do cùng một băng nhóm thực hiện. Ban giám đốc công an TP HCM đã tung lực lượng đặc nhiệm vào cuộc điều tra.

Băng nhóm gây ra hàng chục vụ cướp trên đại lộ Võ Văn Kiệt. Ảnh: Q.T 

Nhiều tổ trinh sát được tung ra bám sát các thanh niên có biểu hiện nghi vấn. Sau nhiều ngày đêm theo dấu, rạng sáng 11/8/2011, cảnh sát phát hiện 2 thanh niên có điệu bộ khả nghi đi lang thang trên đại lộ Võ Văn Kiệt nên ra hiệu dừng xe. Bộ đôi này hoảng hốt tăng ga tháo chạy. Chúng đánh võng, lạc lách và ép đầu xe cảnh sát khi bị đuổi kịp. Tuy nhiên chỉ trong tích tắc chúng đã bị khống chế sau cú ra đòn của các trinh sát.

Vài giờ sau, 3 đồng bọn khác của chúng cũng sa lưới pháp luật. Kẻ cầm đầu băng nhóm là Đặng Hoàng Vũ (21 tuổi, ngụ Tây Ninh) khai nhận, đã cùng đàn em thực hiện hàng chục vụ "ăn hàng" trên tuyến đường này. Trong đó có phi vụ đâm chết anh Khoa để cướp xe.

Mới đây, công an huyện Bình Chánh cũng bắt được băng nhóm gây hàng chục vụ cướp tài sản trên đại lộ Nguyễn Văn Linh. Thủ đoạn của chúng là khi thấy “con mồi” đi đến đoạn đường vắng, sẽ vượt lên đạp ngã xe rồi dùng mã tấu tấn công, cướp tài sản.

Đại úy Nguyễn Văn Định (Phó đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về Trật tự xã hội, công an huyện Bình Chánh) cho biết, huyện đã tung hàng chục mũi trinh sát bám sát địa hình, xác định ban đầu một số nghi can có biểu hiện lạ. “Những tên này thường đi lang thang dọc đại lộ Nguyễn Văn Linh vào ban đêm nhưng do địa bàn rộng lớn, nên việc theo dõi rất khó khăn”, đại úy Định nói.

Những biện pháp nghiệp vụ được áp dụng triệt để, nhiều lính hình sự giả làm kẻ "vô công rồi nghề" lê la các quán cà phê cóc thu thập thông tin. Đêm 10/2, cảnh sát phát hiện 4 thanh niên có nhân dạng giống những kẻ cướp mà các nạn nhân trình báo nên bám theo. Đến đoạn đường tối thuộc ấp 3, xã An Phú Tây (huyện Bình Chánh), bọn chúng đi chậm lại khi phát hiện một phụ nữ dừng xe nghe điện thoại bên lề đường.

Băng cướp trên đại lộ Nguyễn Văn Linh. Ảnh: T.H
Nhóm này quay xe đi ngược chiều để áp sát con mồi. Một tên trong nhóm bất ngờ đạp ngã người phụ nữ, những tên còn lại rút mã tấu lao vào tấn công làm nạn nhân tháo chạy. Bọn chúng ung dung lấy chiếc xe tay ga rồi tăng tốc chạy về hướng Quốc lộ 1A để tẩu thoát.

Cuộc truy đuổi của lính hình sự với nhóm cướp trong đêm gây náo loạn trên đường. Sau hơn 2km, cảnh sát đã khống chế được 3 tên trong nhóm. Gã còn lại chui vào bụi rậm lẩn trốn, sáng hôm sau cũng ra đầu thú.

Chân tướng những kẻ cầm đầu dần lộ diện là Lê Văn Tây (18 tuổi, quê An Giang) và Phạm Thành Hưng (24 tuổi, quê Tiền Giang). Mở rộng điều tra, cảnh sát đã bắt hơn 10 tên khác có liên quan đến băng cướp tại phòng trọ ở phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân). Tang vật thu giữ gồm 2 mã tấu, 3 xe máy.

Theo cơ quan điều tra, băng nhóm này gồm những thanh niên “dạt nhà” tụ tập sống với nhau theo kiểu bầy đàn và đều nghiện “hàng đá” nặng. Số tài sản cướp được, bọn chúng đều tiêu hết vào ma túy.
Tháng 9/2011, 15 người trong băng cướp do anh em Hồ Văn Lùng cầm đầu đã phải lĩnh án từ 1 năm 6 tháng đến 23 năm tù vì gây ra 35 vụ cướp xe máy tại TP HCM và các tỉnh lân cận. Có ngày bọn chúng gây ra đến 4 vụ.

Còn nhiều bất cập và kẽ hở

Quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhảy cảm”:

Còn nhiều bất cập và kẽ hở

Phần đông những điểm kinh doanh massage, karaoke, nhà hàng, quán cà phê…không chân chính, bỏ một đồng vốn thu tới hàng chục đồng lời thường do món lợi kếch sù nên đã sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn, khai thác triệt để kẽ hở của pháp luật để tồn tại một cách công khai, bất chấp dư luận cũng như sự “dòm ngó” của nhà chức trách.

Thực trạng các nghề “nhạy cảm” ở TP.HCM

Toàn TP.HCM hiện có khoảng 900 điểm Karaoke nằm rải rác ở 24 quận, huyện. Bên cạnh đó còn có gần 100 điểm kinh doanh karaoke thuộc dạng gia đình kinh doanh không phép với dăm ba phòng để “kiếm cơm”. Rảo qua nhiều điểm karaoke ở khu vực quận 1, quận 3, Bình Thạnh, Thủ Đức chúng tôi ghi nhận được, ngoài những điểm karaoke chân chính hoạt động quy mô lớn (như hệ thống karaoke Nice chẳng hạn) thu hút đông đảo khách đến ca hát thì phần đông còn lại lượng khách khá ít ỏi. Lý do là những người có nhu cầu ca hát thật sự thì việc “tậu” cho mình một dàn karaoke chất lượng tương đối để cùng gia đình hát hò là chuyện không có gì khó trong thời buổi hiện nay. Ngược lại, những điểm karaoke “ôm” thì nơi nào cũng đông ngẹt khách. “Thượng đế” là những người đàn ông “đốt tiền” để tìm chút “cảm giác lạ” sau khi đã “quắc cần câu”. Mặc khác, do hiện nay để có giấy phép mở điểm kinh doanh karaoke là cực kỳ khó vì gần như các quận, huyện đều không có chủ trương cấp mới giấy phép loại hình này. Từ đó phát sinh tình trạng săn lùng giấy phép (chuyển nhượng lại của những người được cấp trước đây) và mua với cái giá hàng trăm triệu đến vài tỷ đồng tùy theo vị trí. Những người kinh doanh chân chính thấy số tiền chuyển nhượng quá lớn nên vội vàng sang tay. Dần dà, các giấy phép karaoke đều rơi vào tay những kẻ có đầu óc kinh doanh đen tối…

Massage cũng vậy, gần 140 cơ sở kinh doanh hiện nay, tìm đỏ mắt mới thấy được một cơ sở massage trị liệu đúng nghĩa, còn lại đều lấy kích dục làm phương thức kinh doanh thu lợi. Mặc dù theo quy định 05/2003/QĐ-UBND của UBND TP.HCM: Đối với tất cả cơ sở có hoạt động massge nhất thiết phải có bác sĩ phụ trách, kỹ thuật viên xoa bóp phải có chứng chỉ đào tạo chuyên môn kỹ thuật xoa bóp do các trường được Bộ y tế chỉ định cấp; phòng riêng của massage phải có diện tích tối thiểu là 4 m2, không có khoá chốt bên trong và phải có cửa kính trong suốt để bên ngoài có thể quan sát …Tất cả những quy định trên cốt là để chống kích dục, song vì công đoạn kích dục là hết sức “nhạy cảm” và dễ “xóa dấu vết” nên các Đoàn kiểm tra liên ngành khó lòng mà bắt quả tang.

Tương tự là quán cà phê đèn mờ, để bán một ly cà phê với giá 50.000-100.000 đồng, người chủ quán bật đèn xanh để tiếp viên làm hài lòng khách mà cũng chẳng hề hấn gì. Còn nhà hàng bia ôm, do có quy định là nhân viên không được ngồi phục vụ khách nên nhiều quán áp dụng chiêu “đứng ôm” hoặc cho tiếp viên từ bên ngoài vào (hay còn gọi là “PR”). Khi bị kiểm tra thì họ bảo mình chỉ là khách đến đây thì cũng “huề cả làng”!

Bên cạnh kiểu “ôm nhẹ nhàng” và kích dục nói trên, nhiều điểm ăn chơi trên địa bàn TP.HCM còn táo bạo hơn khi cho nhân viên múa thoát y, biểu diễn các màn “rợn người” nhằm gia tăng lợi nhuận. Trong trường hợp này, nếu bị cơ quan chức năng phát giác là “khó sống”. Do vậy mà những chủ cơ sở dạng này đều thừa thủ đoạn đối phó…


Làm gì để trị “chiêu”?

Trong hội nghị sơ kết đợt cao điểm kiểm tra các hoạt động dịch vụ văn hóa vừa tổ chức vào ngày 16/2, các ý kiến cho rằng, công tác quản lý nhà nước còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, thậm chí còn vô hiệu hoá lẫn nhau: ngành này đình chỉ thu hồi giấy phép thì ngành khác lại cấp mới. Hay như sau khi bị rút giấy phép thì họ vẫn tiếp tục hoạt động theo giấy phép mới nhưng vẫn do chủ cũ điều hành.

Cụ thể như công ty Phúc Thiên Ân (ở quận Bình Tân) sau khi bị phát hiện sai phạm và bị rút giấy phép, công ty này lần lượt đăng ký lại và đổi tên thành Phúc Thiên An, rồi Phú Thiên An, nay là Phố 69 để hoạt động ngay địa điểm cũ. Thực tế này, theo tư liệu mà chúng tôi nắm được thì “chiêu” đối phó trên được người vi phạm áp dụng từ nhiều năm qua, song cho đến nay vẫn chưa có giải pháp để trị.

Tôi còn nhớ trước đây, quán cà phê Hoàng Thụy nằm đường Hoàng Văn Thụ (phường 8, Phú Nhuận) do Hoàng Thị Thu Hương làm chủ bị bị rút giấy phép kinh doanh vì hành vi kích dục của tiếp viên. Nhưng thật bất ngờ, ít ngày sau, quán lại mở cửa họat động bình thường. Khi cơ quan công an đến kiểm tra thì Hương chìa ra một giấy phép kinh doanh mới do Hòang Thị Thanh Thanh (em ruột Hương) đứng tên kinh doanh…Vì pháp luật không có quy định nghiêm cấm thành lập doanh nghiệp tại địa chỉ đã bị xử lý vi phạm trước đó nên những trường hợp như vậy cơ quan chức năng đành phải…bó tay!.

Bên cạnh bất cập đó, trong cuộc họp báo về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn TP.HCM vào đầu tháng 2/2012, thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM, cho rằng, do việc kiểm tra xử lý vi phạm trong các các sở dịch vụ nhạy cảm thuộc trách nhiệm của Đoàn kiểm tra liên ngành (khi cơ sở có biểu hiện hoạt động mại dâm, ma túy thì thuộc trách nhiệm chính của ngành Công an). Theo quy chế thì Đoàn kiểm tra này hoạt động công khai mà đã là công khai thì rất khó phát hiện các hành vi vi phạm thuần phong mỹ tục. Đó là chưa nói đến hiện nay các chủ cơ sở vi phạm đều thuê mướn cảnh giới (chủ yếu là giới xe ôm), túc trực trước cổng của Sở văn hóa- thể thao và du lịch. Hễ đoàn kiểm tra liên ngành vừa khởi hành là chúng lập tức bám theo và thông báo cho “thân chủ” nếu thấy đoàn đi về hướng đường nơi cơ sở kinh doanh.

Từ thực tế trên, để công tác quản lý hiệu quả hơn trong thời gian tới, mới đây, lãnh đạo UBND TP.HCM chỉ đạo các sở ngành tiến hành rà soát các văn bản pháp luật xem điểm nào chưa phù hợp thì kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi. Ngoài yếu tố trên, theo chúng tôi các cơ quan có thẩm quyền cần phải xem xét xử lý cả với chủ nhà cho thuê, người được ủy quyền kinh doanh khi vi phạm nghiêm trọng về hành vi chứa chấp mại dâm, ma túy và ăn chơi sa đoạ tại nơi kinh doanh. Đồng thời tăng cường xử lý người đứng đầu chính quyền cấp phường, xã, thị trấn nếu để cơ sở kinh doanh phát sinh TNXH xảy ra trên địa bàn mình…
Hiện toàn TP.HCM có hơn 25.000 cơ cở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm”, trong đó có 943 nhà hàng, 134 cơ sở xông hơi- xoa bóp, 805 tiệm hớt tóc thanh nữ, 7.638 quán cà phê…với khoảng 20.000 nữ tiếp viên. Trong 3 tháng qua (từ tháng 11/2011-1/2012), Đoàn kiểm tra liên ngành các cấp đã kiểm tra 3.100 lượt, phát hiện 1.300 lỗi vi phạm, xử phạt trên 8,7 tỷ đồng.
Theo CAND Online 

Công an TP Hồ Chí Minh làm tốt công tác dân vận

Từ khi thực hiện cuộc vận động "CAND chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ" (tháng 3/2011), công tác dân vận được Công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh bằng những việc làm thiết thực để giúp dân.
Trong năm 2011, cán bộ, chiến sỹ Công an TP Hồ Chí Minh tích cực hưởng ứng đóng góp 668 triệu đồng cho các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Xóa đói giảm nghèo" do Bộ Công anCông an TP phát động; xây nhà tình nghĩa, tình thương, xây cầu, tặng quà học sinh nghèo, thăm tặng quà các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng… hơn 1 tỷ đồng.

Công an các đơn vị, địa phương đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể hỗ trợ 12.275 gia đình nghèo khó khăn trên 46 tỷ đồng, giúp 75 gia đình bị hoạn nạn thiên tai trên 120 triệu đồng, xây dựng 11 nhà tình thương gần 270 triệu đồng, phụng dưỡng suốt đời 55 Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Điển hình, Công an quận 6 tặng quà gia đình chính sách, học sinh nghèo ở tỉnh Bến Tre trị giá 45 triệu đồng; xây dựng cầu Ba Bé ở xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày (tỉnh Bến Tre) 136 triệu đồng, góp phần giúp nhân dân đi lại thuận tiện, địa phương có điều kiện phát triển hinh tế - xã hội; giúp 20 triệu đồng sửa chữa nhà cho 1 hộ nghèo ở quận 6…

Cảnh sát khu vực đến với nhân dân.

Gắn với công tác dân vận, Công an các đơn vị, địa phương ở TP Hồ Chí Minh đã tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Từ đó, nhân dân cung cấp cho lực lượng Công an 34.507 nguồn tin liên quan đến an ninh trật tự (có 19.029 tin có giá trị), giúp Công an các cấp xác minh làm rõ 4.265 vụ việc, bắt giữ và xử lý 6.993 đối tượng, thu hồi tài sản trị giá 14,4 tỷ đồng, giao nộp cho công an 55 súng, 2.590 viên đạn các loại, 46 lựu đạn, 1037 hung khí (dao lê, mã tấu…). Đáng chú ý, nhân dân trực tiếp phát hiện bắt quả tang 1.120 vụ việc (chiếm 22,6% số vụ phạm pháp hình sự và chiếm 33,05% số vụ phạm pháp hình sự được khám phá)...

Ngoài ra, nhân dân còn vận động 72 đối tượng phạm tội ra đầu thú, cung cấp tin cho Công an bắt 254 đối tượng có lệnh truy nã, tham gia quản lý giáo dục 41.034 đối tượng, đến nay có 11.788 đối tượng tiến bộ; các ban, ngành, đoàn thể giới thiệu việc làm cho 1.035 đối tượng, cho 271 người từng lầm lỡ vay vốn làm ăn, đưa 6.786 đối tượng ra kiểm điểm giáo dục trước nhân dân, thông báo đến tổ dân phố về hành vi vi phạm pháp luật của 6.242 đối tượng, phân công các đoàn thể trực tiếp nhắc nhở, giáo dục 34.224 đối tượng.

Theo CAND Online

TPHCM: Phần lớn tai nạn giao thông do uống rượu bia

Ngày 17-2, Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân TPHCM có buổi khảo sát tại Công an thành phố trong việc thực hiện về trật tự an toàn giao thông tại địa bàn.
Sau khi nghe báo cáo về tình hình trật tự an toàn giao thông và ùn tắc giao thông trong năm 2011, nhiều ý kiến đề cập tình trạng phụ huynh chở con em đến trường nhưng con em họ không đội mũ bảo hiểm diễn ra khắp nơi nhưng không bị cảnh sát giao thông xử phạt hay nhắc nhở.

Đại tá Ngô Minh Châu, Phó Giám đốc Công an TPHCM cho biết sắp tới Công an thành phố sẽ xử phạt nghiêm những trường hợp học sinh không đội nón bảo hiểm ngồi trên xe máy. Trước khi xử phạt, công an sẽ tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông một tuần để mọi người biết. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành vận động các em học sinh ở trường mầm non cũng tích cực đội mũ bảo hiểm để tạo thói quen và an toàn.

Về tai nạn giao thông, Đại tá Ngô Minh Châu cho biết thời gian xảy ra tai nạn thường từ 19 giờ đến 24 giờ đêm, chiếm hơn 50% số vụ. Nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn này thường là do người chạy xe đã uống bia, rượu. Trong khi đó, công tác tuyên truyền người dân uống rượu bia thì không nên chạy xe trong thời gian qua chưa quyết liệt.

Đại tá Châu đề nghị nên buộc các đơn vị sản xuất bia, rượu đưa hình ảnh cảnh báo tai nạn lên nhãn, mác như trên bao thuốc lá. Các quán ăn, nhà hàng có bán rượu, bia phải có bảng cảnh báo đến thực khách về tai nạn giao thông khi uống bia, rượu nhiều.

Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND thành phố cho rằng, để có giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông và ùn tắc lâu dài, chúng ta cần phải đánh giá đúng nguyên nhân thì mới có biện pháp đúng và đồng bộ. Hiện nay, cách đánh giá nguyên nhân giữa các đơn vị còn lệch nhau; thống kê tai nạn giao thông do rượu, bia cũng chưa thuyết phục.

Thêm nữa, do việc xử phạt người vi phạm chưa nghiêm nên tai nạn vẫn còn cao. Bà Tâm viện dẫn câu chuyện của các chuyên gia cho là cách xử phạt của CSGT chưa có tính răn đe và xử phạt chưa công bằng. Theo khảo sát của chuyên gia này, chỉ có 3,5% người dân vi phạm luật giao thông của cả nước bị xử phạt. Còn về vấn đề điểm đen, tuyến đường đen, bà Tâm đề nghị Công an TP, Ban An toàn giao thông cần đánh giá lại nguyên nhân vì sao lại xuất hiện những điểm đen mới phát sinh trong thời gian qua. Trong năm 2011, xóa gần hết các điểm đen của năm 2010, năm nay còn và phát sinh mới 23 điểm đen và 24 tuyến đường đen thường xuyên xảy tai nạn giao thông. Rõ ràng đây đây là vấn đề mà Công an và Ban An toàn giao thông cần tìm hiểu kỹ và có hướng xử lý dứt điểm trong tương lai chứ không thể hết chỗ này chuyển sang chỗ khác”- đồng chí Tâm nhấn mạnh.
Theo SGGP

Công an TPHCM: "Quái xế"… trở lại!

Hồi cuối năm 2011, TP.Hồ Chí Minh triển khai thí điểm đưa vào sử dụng rào chắn di động, có gắn đèn tín hiệu để chống đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, làm mất an toàn giao thông, thì tình trạng “quái xế” giảm hẳn.

Trong tháng đầu năm 2012, không xảy ra vụ nào, nhưng trong những ngày qua, “quái xế” đã tung hoành trở lại.

A dua bầy đàn…

Tại cuộc họp mới đây (9.2.2012) của Công an TP.Hồ Chí Minh về báo cáo kết quả tình hình an ninh trật tự từ đầu năm 2012, có điều đáng mừng là đã không xảy ra nạn gây rối bằng xe gắn máy (còn gọi là quái xế) vào các đêm cuối tuần. Thậm chí, trong tháng 1.2012, Ban Giám đốc Công an TP.Hồ Chí Minh vừa công bố: “Không xảy ra tình trạng thanh thiếu niên chạy xe gây rối trật tự công cộng”,… nhưng bất ngờ, đầu tháng 2.2012, vào đêm cuối tuần, 11 và rạng sáng 12.2, CSGT đã “hốt” gần cả trăm “quái xế” trên địa bàn quận Gò Vấp và tình trạng này đang có dấu hiệu trở lại. Qua phân tích và đánh giá của CSGT đối với những đối tượng bị xử lý tham gia những tốp xe gây rối trật tự an toàn giao thông, thì hầu hết đều là giới trẻ, có nhiều học sinh, sinh viên nhưng lại thích “chơi đêm” và thiếu sự quản lý của gia đình.
Trong đó, phải đề cập đến khá nhiều học sinh, sinh viên ở các tỉnh thành khác đến TP.Hồ Chí Minh học tập, nhưng lại rơi vào “thú” chơi đêm và tốc độ. Tuy nhiên, những đối tượng kích động bằng những xe gắn máy độ chế, có tiếng nổ ống pô gầm rú kinh hoàng thì ít, nhưng đám đông đi theo (còn gọi là ăn theo) thì nhiều. Chính những “quái xế” ăn theo, kiểu bầy đàn chạy theo những kẻ kích động là đa số. Do vậy, khi bị CSGT bắt giữ xe, rất nhiều đối tượng cho rằng mình chỉ chạy xe theo… cho vui. Và chính cái ham vui trong chốc lát, hay ham vui vì tốc độ ấy đã làm rất nhiều gia đình khốn đốn, vì tai nạn luôn chực chờ trên đường, khi bị xử lý thì chịu mức phạt cao, thậm chí tiền phạt theo quy định hiện nay có thể vượt quá trị giá tài sản chiếc xe vi phạm. Rồi đã là “quái xế”, thì phải làm bản kiểm điểm trước tổ dân phố, nơi cư ngụ, có xác nhận đàng hoàng mới được xử phạt trả xe, nếu tái phạm thì bị lập hồ sơ đưa đi giáo dục tập trung… đó là những điều mà rất nhiều thanh thiếu niên hiện nay chưa biết nếu lỡ ra đường muốn thành “quái xế”.


Cần phạt nặng và bổ sung luật, bắt giữ cả đối tượng “quái xế” để truy cứu trách nhiệm hình sự. Ảnh: Phùng Bắc

Phải tăng mức phạt…

Theo một cán bộ CSGT với bề dày hàng chục năm tham gia phòng chống đua xe trái phép, thì mức phạt hiện nay đã được điểu chỉnh theo Nghị định 34 của Chính phủ. Tuy nhiên, với mức phạt tính trung bình một “quái xế” bị xử lý thì khoảng 5 triệu đồng. Người lao động thấy số tiền này là lớn, nhưng đối với những “quái xế” thì chưa đủ sức răn đe và giáo dục. Có thể tăng mức xử phạt lên mức cao tột đỉnh, đó là ý kiến đa số mà nhiều CSGT cho biết khi hỏi về vấn đề này. Ví dụ, một trường hợp “quái xế” sử dụng xe gắn máy tụ tập kéo nhau thành đoàn, gây rối trật tự an toàn giao thông, làm mất trật tự công cộng, nẹt pô, đánh võng, lạng lách, nhổng đầu là những lỗi thường gặp, thì mức phạt cần được áp dụng phải từ 30 đến 50 triệu đồng, mới đủ sức răn đe cũng như ngăn ngừa những thanh thiếu niên bốc đồng muốn làm “quái xế”.
Cũng theo những cán bộ chiến sĩ CSGT phân tích, theo Nghị định 34 của Chính phủ, mức phạt một trường hợp buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, bình thường, đơn giản và diễn ra hầu như trên khắp các tuyến đường, đâu đâu cũng thấy vi phạm kiểu này, đã có mức phạt là từ 20-25 triệu đồng, do vậy mức phạt hiện nay là còn… quá nhẹ!
Ngoài biện pháp cần tăng mức phạt, thì các biện pháp áp dụng bổ sung cũng cần được xem xét. Như hiện nay, việc phải làm kiểm điểm trước tổ dân phố vẫn chưa đủ mức răn đe và giáo dục, vì có rất nhiều đối tượng bỏ luôn xe vi phạm. Hiện thị trường xe gắn máy chỉ vài triệu đồng là có một “con ngựa sắt” rồi độ chế ít tiền đã đủ để “chơi”, vì vậy, cứ bị bắt giữ xe, “quái xế” đánh bài chuồn, bỏ xe chạy lấy người.
Theo một cán bộ CSGT, đối với tệ nạn này, cần bổ sung luật để áp dụng truy cứu trách nhiệm hình sự, với khung hình phạt tù, chứ không phải như hiện nay chỉ có áp dụng đối với tội “đua xe trái phép”, là phải có điểm xuất phát, đích đến, có “trọng tài”, có cá độ tiền bạc… mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mà đối tượng nào tham gia vào những tốp kéo nhau thành đoàn, nẹt pô, nhổng đầu, lạng lách, đánh võng, thậm chí là tụ tập cổ vũ để cho những đối tượng dùng xe gắn máy gây rối trật tự an toàn giao thông, gây rối trật tự công cộng bằng xe gắn máy thì cần áp dụng biện pháp truy cứu trách nhiệm hình sự. Có làm mạnh tay hình phạt nặng, thì mới hy vọng dẹp được nạn “quái xế” hoành hành ở các thành phố, đặc biệt là ở TP.Hồ Chí Minh, một cán bộ lão thành CSGT trăn trở như vậy.