Trang

Showing posts with label Tội phạm. Show all posts
Showing posts with label Tội phạm. Show all posts

Nhận diện tội phạm hoạt động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

Trong năm 2011, toàn TP HCM xảy ra 5.404 vụ phạm pháp hình sự, so với cùng kỳ năm 2010 giảm 433 vụ, tỷ lệ 7,42%. Một số loại án thường xảy ra như giết cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản… đều giảm khá nhiều, tuy nhiên, về phương thức và thủ đoạn gây án thì ngày càng liều lĩnh và tinh vi hơn.

Đáng lo ngại nhất là năm 2011, loại án chống người thi hành công vụ tăng đột biến, gần gấp đôi so với năm trước. Án giết người cũng tăng gần 10% mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ trong đời sống thường nhật. Chính vì diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm nên việc nhận diện tội phạm để người dân nêu cao cảnh giác, góp phần cùng nhà chức trách tăng cường công tác phòng chống tội phạm trong thời gian tới là mục đích của bài viết này.

Trộm, cướp bây giờ "lịch sự" hơn xưa


Nếu như trước đây, những tên cướp của thường hoạt động về đêm, chọn khu vực vắng vẻ rồi dùng hung khí khống chế nạn nhân cướp tài sản thì nay chúng táo tợn và liều lĩnh hơn là cướp cả vào ban ngày, giữa chỗ đông người và vào tận nhà để cướp.

Theo thống kê của Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an TP HCM, trong năm 2011 có 428 vụ cướp tài sản xảy ra thì có đến 157 vụ đối tượng (có từ 2 người trở lên) dùng xe gắn máy, ôtô lưu thông trên đường ép xe nạn nhân đánh cướp; 57 vụ đối tượng giả dạng là người đi mua nhà, đất… để vào tận nhà nạn nhân khống chế cướp tài sản.

Địa điểm gây án hầu hết ở khu vực vùng ven và ngoại thành mà 3 địa bàn quận Bình Tân, Thủ Đức và huyện Bình Chánh là nơi xảy ra nhiều nhất. Cùng hệ với cướp tài sản là cướp giật tài sản, có 1.265 vụ xảy ra trong năm 2011. Độ tuổi của tội phạm loại án này ngày càng trẻ hóa với gần 80% dưới 30 tuổi.

Đặc điểm của chúng cũng khác trước, không còn ăn mặc bụi bặm, đi xe "bèo", tóc nhuộm đỏ, xanh mà ăn mặt khá lịch sự, đi xe đời mới có giá trị cao như Spacy, SH, @... trông giống như công tử con nhà giàu để đánh lừa nạn nhân và lực lượng truy bắt. Thực chất các loại xe này chúng mua của các đối tượng trộm cắp với giá rẻ rồi gắn biển số giả đi cướp giật.

Băng trộm tài sản bị Phòng PC 45, Công an TP HCM bắt giữ.

Trộm cắp tài sản là loại án luôn chiếm tỷ lệ cao, thông thường hơn 50% trên tổng số vụ phạm pháp hình sự trong một địa bàn. Và qua thực tế cũng cho thấy án này năm sau luôn cao hơn năm trước và tỷ lệ khám phá án cũng đạt rất thấp. Tuy nhiên, năm 2011 nhờ nỗ lực trong công tác phòng chống và triệt phá nhiều băng nhóm trộm cắp và tiêu thụ xe gian liên tỉnh với quy mô lớn nên án trộm cắp tại TP HCM giảm đến 22,4% so với năm 2010, tức chỉ xảy ra 2.764 vụ.

Trong đó gần phân nửa là trộm cắp xe gắn máy. Đối tượng gây án hầu hết là dân chuyên nghiệp có nhiều tiền án nên thừa thủ đoạn và "kinh nghiệm" trộm xe. Mỗi tên trộm như vậy đều trang bị cho mình một bộ đồ nghề thuộc dạng "tối tân" nhất với chìa khóa vạn năng, kìm cộng lực, con đội…

Điều đáng lo ngại nhất là bọn trộm thời nay câu kết rất chặt với những đường dây tiêu thụ xe gian chứ không còn kiểu "bán tháo" với giá "bèo" như trước đây nên rất khó khăn cho công tác điều tra, khám phá án. Chính vì sự chuyên nghiệp của bọn tội phạm nên có thể nói không có bất kỳ loại khóa nào mà chúng không mở được nên việc mọi người cần phải giữ gìn, trông coi tài sản của mình là giải pháp tối ưu nhất

Báo động gây án từ mâu thuẫn nhỏ


Trong 164 vụ giết người năm 2011 (tăng 9,33%) có đến 101 vụ xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống hằng ngày, nhất là ở nhóm các đối tượng thanh thiếu niên, học sinh chơi bời lêu lổng. Chỉ cần một cái nhìn, một câu nói đùa, một cú quệt xe… là có thể xảy ra án mạng.

Nỗi lo này càng nhân lên khi chỉ trong tháng đầu tiên của năm 2012, toàn TP HCM xảy ra đến 15 vụ giết người, tăng 66,66% so với cùng kỳ năm trước. Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP HCM, đối với loại án giết người xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ thì công tác phòng chống rất khó bởi đó là những hành động bột phát, mang tính nhất thời.

Cho nên, yếu tố có thể kìm hãm loại tội phạm này một cách hiệu quả nhất là sự giáo dục từ phía gia đình. Bên cạnh đó là công tác tuyên truyền, vận động người dân sống và làm việc theo pháp luật; phát huy truyền thống tình làng nghĩa xóm, sống chan hòa, nhường nhịn nhau và sự giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể địa phương cũng là một giải pháp tích cực.

Cũng là những xung đột nhỏ nhưng thiếu kiềm chế dẫn đến gây án là loại án chống người thi hành công vụ. Trong tổng số 65 vụ án xảy ra trong năm 2011 thì phần lớn là xuất phát từ mâu thuẫn phát sinh giữa người đi đường với lực lượng Cảnh sát giao thông trong lúc làm nhiệm vụ xử phạt vi phạm hành chính về an toàn giao thông.

Hầu hết người vi phạm manh động, chống người thi hành công vụ đều bị xử lý nghiêm theo pháp luật. Tuy nhiên, Thiếu tướng Phan Anh Minh cũng lưu ý về tác phong của lực lượng Cảnh sát giao thông khi thi hành nhiệm vụ chưa được chuẩn, đúng điều lệnh cũng là một trong những nguyên nhân phát sinh hành vi phạm pháp. Vì vậy mà lãnh đạo lực lượng Cảnh sát giao thông cũng cần nhanh chóng chấn chỉnh để phục vụ nhân dân được tốt hơn.

Từ tình hình trên nên ngay đầu năm 2012, Ban Giám đốc Công an TP HCM đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ đẩy mạnh thực hiện các kế hoạch, chuyên đề đấu tranh chuyên sâu theo từng hệ loại đối tượng; các giải pháp phòng ngừa... để tiếp tục giữ bình yên, an toàn cho người dân trên thành phố mang tên Bác
Theo CAND Online