Trang

Đoàn thanh niên Công an TPHCM với chương trình “Giọt máu nghĩa tình” lần 1-2012


Ngày 9/3, Ban công tác Thanh niên Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức đợt vận động tình nguyện hiến máu nhân đạo với chủ đề “Giọt máu nghĩa tình” lần 1-2012.

Chương trình được sự tham gia của 408 cán bộ, chiến sỹ là đoàn viên, thanh niên các phòng ban, quận, huyện thuộc Công an thành phố hưởng ứng và Ban tổ chức đã nhận được 560 đơn vị máu bổ sung ngân hàng máu cứu người. Theo kế hoạch, ngày 10/3, sẽ có thêm 400 cán bộ, chiến sỹ, học viên sẽ tiếp tục tham gia chương trình này.

Thiếu tá Bùi Công Tú, Trưởng ban Thanh niên Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết: Thực hiện chương trình “Giọt máu nghĩa tình” là một trong những hoạt động thiết thực của tuổi trẻ Công an thành phố, nhằm hưởng ứng Tháng Thanh niên (3-2012), hướng tới kỷ niệm 81 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; chào mừng Đại hội Đoàn các cấp trong lực lượng Công an TP Hồ Chí Minh và hướng đến chào mừng Đại hội Đoàn thành phố và toàn quốc.

Ban giám đốc Công an TPHCM: Chúc mừng Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng phía nam


Nhân kỷ niệm 53 năm ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân vũ trang nay là Bộ đội biên phòng (3-3-1959 - 3-3-2012), sáng 2-3-2012, thiếu tướng Lê Đông Phong - Phó giám đốc CATP dẫn đầu đoàn công tác gồm chỉ huy một số phòng, ban thuộc CATP đã đến tặng hoa, chúc mừng Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng (BĐBP) phía nam. Đồng chí Lê Đông Phong đã gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới lãnh đạo, cán bộ chiến sĩ Bộ tư lệnh BĐBP nhân ngày truyền thống của lực lượng, ghi nhận sự hợp tác khắng khít trong công tác của hai lực lượng từ trước đến nay. Thiếu tướng Nguyễn Phước Lợi, Phó tư lệnh phụ trách Bộ tư Lệnh BĐBP phía nam cho rằng công an và BĐBP dù ở đâu, bất kỳ trong lĩnh vực nào, mối quan hệ gắn bó mật thiết đó cũng được phát huy để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và giữ gìn an ninh trật tự mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đồng chí Nguyễn Phước Lợi thay mặt Đảng ủy, Bộ tư lệnh, BĐBP cảm ơn Đảng ủy, Ban giám đốc CATP về những tình cảm tốt đẹp trên, đồng thời chúc các đồng chí lãnh đạo, cùng toàn thể cán bộ chiến sĩ Công an TPHCM dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và đạt nhiều thắng lợi hơn nữa trong nhiệm vụ cao cả của mình.

Lãnh đạo Công an thành phố tặng hoa chúc mừng Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng phía nam
Cùng ngày, thiếu tướng Lê Đông Phong cũng đã đến thăm, tặng hoa và chúc mừng Bộ chỉ huy BĐBP TP.Hồ Chí Minh nhân ngày truyền thống.

Cao ốc Sài Gòn là 'thủ phạm' gây mất trật tự giao thông

Với 65 trên tổng số 79 cao ốc không đủ diện tích đậu xe, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Trần Quang Phượng khẳng định chính những tòa nhà này đã để xe trên vỉa hè, tràn ra lòng đường gây mất trật tự giao thông. 

Chiều 1/3, kỳ họp thứ tư HĐND TP HCM tiếp tục với phiên chất vấn về chuyên đề an toàn giao thông. Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Quang Phượng và Phó giám đốc Công an thành phố Ngô Minh Châu đã bị truy về việc các cao ốc thiếu bãi đậu xe, xây dựng bãi giữ xe ngầm, xử phạt "nguội" qua camera ghi hình...

Cảnh sát giao thông xử phạt ôtô đậu dưới lòng đường trước một cao ốc văn phòng ở quận 3 (TP HCM). Ảnh: Tá Lâm.

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Văn Lâm khẳng định, nhiều cao ốc chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để làm nơi đỗ xe. "Hiện nay, bao nhiêu phần trăm nhà cao tầng đảm bảo diện tích để xe? Chất lượng những bãi giữ xe này ra sao?", ông Lâm đặt vấn đề.

Tỏ vẻ bối rối, Giám đốc Sở Giao thông nói: "Chúng tôi sẽ nắm lại thông tin rồi báo cáo sau, chưa thể trả lời ngay".

Không đồng ý với cách trả lời của ông Trần Quang Phượng, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Giám đốc Sở Giao thông và UBND thành phố làm rõ vấn đề này. "Không thể trả lời 'chưa thể báo cáo', 'sắp tới'... như thế được", bà Tâm nói.

Trước sự "nhắc nhở" này, ông Phượng mới cho biết, hiện thành phố có 79 cao ốc ở trung tâm trên các tuyến đường như Nguyễn Thị Minh Khai, Cách Mạng Tháng 8, Nguyễn Bỉnh Khiêm... Trong đó 59 cao ốc không đủ diện tích đậu xe và 6 tòa nhà không có chỗ để xe. "Chính những công trình này đã để xe trên vỉa hè, tràn ra lòng đường gây mất trật tự giao thông", Giám đốc Sở kết luận.

Theo ông Phượng, đầu năm nay, UBND thành phố đã giao cho UBND các quận, huyện và Sở Xây dựng chấn chỉnh. Cụ thể, chỉ cấp phép xây dựng các cao ốc văn phòng, chung cư cao tầng, các cơ sở dịch vụ... khi đảm bảo diện tích đậu xe.

"Đỡ" cho cấp dưới, Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân khẳng định, kiên quyết không cấp phép xây dựng các dự án chung cư cao tầng, cao ốc văn phòng, cơ sở dịch vụ... không có bãi đậu xe.

Với thái độ khá gay gắt, một đại biểu đặt vấn đề: "Từ lâu, TP HCM đã có phương án xây các bãi xe ngầm song đến nay vẫn án binh bất động. Thành phố xử lý thế nào và đến bao giờ thì khởi công?".

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thừa nhận các dự án bãi giữ xe ngầm chậm tiến độ là do vướng thủ tục, thậm chí có công trình mất đến 7 năm nay vẫn chưa xong. Thời gian qua, UBND thành phố đã có nhiều chủ trương vận động khuyến khích người dân xây dựng bãi đỗ xe nhưng đến nay thành phố vẫn chưa cho ra đời bãi nào.

Hiện nay, 4 dự án bãi đậu xe ngầm được triển khai tại công viên Lê Văn Tám, công viên Tao Đàn, sân khấu Trống Đồng và sân vận động Hoa Lư. Trong đó, hai dự án xây dựng bãi giữ xe ngầm sẽ được khởi công trong năm nay. Khi hoàn thành, những nơi này sẽ giải quyết chỗ đậu cho khoảng 3.500 xe máy và 4.900 ôtô.


Cũng trong kỳ họp này, nhiều đại biểu đề nghị tăng cường xử phạt "nguội" qua camera ghi hình. Phó giám đốc Công an thành phố Ngô Minh Châu cho biết, trong năm 2011, cơ quan chức năng đã xử phạt "nóng" qua hình ảnh trên 47.000 trường hợp và phạt "nguội" 15.300 trường hợp.

Theo ông Châu, công an thành phố đã sử dụng 10 máy quay phim và đang xin UBND thành phố cấp thêm 15 máy quay nữa. Lực lượng này không bố trí đứng một chỗ mà luôn di chuyển. Ngoài ra, thành phố sẽ tăng cường máy đo nồng độ cồn để xử phạt người uống rượu bia. Năm nay sẽ mua thêm 102 máy đo nồng độ cồn (hiện có 93 máy). Máy bắn tốc độ cũng được đầu tư bổ sung.

Song song với việc đầu tư trang thiếu bị, công an thành phố cũng nhanh chóng đào tạo CSGT, từ 2008 đến cuối năm nay sẽ tăng thêm 1.000 người.

Cần "nói không" với đồ gian để kéo giảm tội phạm

Để triệt xóa "đầu ra" của bọn tội phạm, cơ quan Công an rất cần sự giúp sức của người dân, nhất là các chủ tiệm vàng, cầm đồ, cửa hàng mua bán ĐTDĐ… trong việc "nói không" với đồ gian cũng như nâng cao cảnh giác để tránh bị sập bẫy bọn tội phạm làm giấy tờ giả mang đồ gian đi tiêu thụ…

Mỗi năm, T.P HCM xảy ra hàng ngàn vụ cướp của, cướp giật và trộm cắp (riêng năm 2011 xảy ra 428 vụ cướp của, 1.265 vụ cướp giật và 2.764 vụ trộm) nên lượng tài sản (chủ yếu xe gắn máy, ĐTDĐ và vòng vàng) là đồ gian rất lớn. Qua thực tế các vụ án đã được khám phá thì hầu hết tài sản trộm, cướp được bọn tội phạm đều tiêu thụ một cách trót lọt.
Do vậy, để triệt xóa "đầu ra" của bọn tội phạm, bên cạnh tăng cường công tác phát hiện, xử lý nghiêm những kẻ tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, cơ quan Công an rất cần sự giúp sức của người dân, nhất là các chủ tiệm vàng, cầm đồ, cửa hàng mua bán điện thoại di động (ĐTDĐ)… trong việc "nói không" với đồ gian cũng như nâng cao cảnh giác để tránh bị sập bẫy bọn tội phạm làm giấy tờ giả mang đồ gian đi tiêu thụ…

Đường đi của đồ gian

Giữa năm 2010, đường dây trộm cắp và tiêu thụ xe gian (xe gắn máy) liên tỉnh với quy mô lớn do đối tượng Nguyễn Ngọc Hoàn (48 tuổi; ngụ 40/7A, Phạm Văn Chiêu, phường 12, Gò Vấp) cầm đầu bị triệt xóa.
Tuy hoạt động mới nửa năm nhưng băng tội phạm này đã tiêu thụ hơn 1.000 xe gian với cùng một phương thức. Hoàn khai, sau khi mua xe của các đối tượng trộm cắp ở TP HCM và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương… y sẽ giao cho hai "đệ tử ruột" là Nguyễn Trung Hiếu (31 tuổi; ngụ Tân Chánh Hiệp, quận 12) và Nguyễn Quang Thành (32 tuổi; quê quán Hà Tĩnh) mang xe đến một trong ba địa điểm bí mật để cất giấu.

Nguyễn Ngọc Hoàn, đối tượng cầm đầu băng tiêu thụ hơn 1.000 xe gian cùng tang vật.
Khi số lượng xe kha khá, Hoàn sẽ đặt hàng cho Trần Đức An (37 tuổi; ngụ quận 12, T.P HCM) làm giấy tờ giả (gồm giấy đăng ký xe, giấy CMND và giấy chứng thực mua bán) rồi giao xe cho các đồng bọn gồm Thành, Oai, Tuấn, Vịnh, Ngọc, Hà mang đi cầm hoặc đem bán. Đến nay, cơ quan Công an đã thu hồi được gần 150 chiếc xe gắn máy các loại.
Tương tự là băng nhóm tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có, làm giả con dấu, tài liệu cơ quan nhà nước do Nguyễn Bá Hiếu và đồng bọn gây ra nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản các tiệm cầm đồ. Khi bị Công an quận Tân Phú bắt giữ, Hiếu khai, sau khi mua, y bỏ ra khoảng 2 triệu đồng để làm bộ hồ sơ gồm giấy đăng ký xe, CMND giả rất tinh vi khó phát hiện bằng mắt thường.
Tiếp đó, Hiếu chỉ đạo đàn em trực tiếp mang xe đến tiệm cầm đồ cầm với giá từ 17 đến 25 triệu đồng. Trong số 5 tiệm cầm đồ bị sập bẫy băng của Hiếu có một tiệm cầm đồ trên đường 3-2 (phường 16, quận 11) bị "dính" đến 4 chiếc Air Blade, thiệt hại 100 triệu đồng.
Ngoài việc giấy tờ cầm cố theo xe được làm giả, các đối tượng này còn cạo sửa số khung số máy hiển thị trên giấy đăng ký xe thật (do chúng mua được từ những người bị mất xe) sao cho trùng khớp rồi mang cầm hoặc bán và đều thực hiện trót lọt.
Một kiểu tiêu thụ xe gian khác đó là phương thức hoạt động của băng tội phạm do Phan Văn Khanh (Khanh "tóc dài", quê quán Đức Huệ, Long An) cầm đầu bị Phòng PC 45, Công an T.P HCM bắt giữ vào tháng 3/2011.
Khi cần xe gian, Khanh "tóc dài" sẽ điện thoại cho một "siêu" trộm là Hoàng Văn Đông (28 tuổi; quê quán huyện Đô Lương, Nghệ An) để đặt hàng. Sau khi trộm được Đông giao xe liền cho Khanh và Khanh cũng trao tay ngay cho một đối tượng người Camphuchia để "chẻ" về Đức Hoà (Long An) rồi đưa sang Campuchia theo đường tiểu ngạch.

Những khuyến cáo của cơ quan Công an

Theo các điều tra viên, trinh sát thuộc Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm (Đội 3) và Đội chống trộm cắp, lừa đảo (Đội 4), Phòng PC45, Công an T.P HCM thì đồ gian dễ dàng tiêu thụ nhất hiện nay là ĐTDĐ và vàng. Bởi lẽ theo quy định hiện hành thì việc bán vàng, ĐTDD cùng nhiều tài sản khác thì người bán không phải chứng minh mình là chủ sở hữu.
Do vậy để chứng minh ý thức chủ quan của chủ tiệm vàng, cửa hàng mua bán ĐTDĐ trong việc mua đồ gian là rất khó. Điển hình như tiệm vàng K.T.S ở quận Bình Tân, nơi tiêu thụ đồ gian của nhiều băng tội phạm trong nhiều năm qua nhưng đến nay người chủ tiệm này vẫn chưa một lần bị xử lý.
Khi được cơ quan Công an mời làm việc, bà D., chủ tiệm cũng thừa nhận mình có mua hàng chục sợi dây chuyền bị đứt của khách hàng nhưng khăng khăng bảo mình mua nhầm chứ không hề có chủ ý mua tài sản do người khác phạm tội mà có. Tương tự là ông Th., chủ cửa hàng ĐTDĐ C. Th. (quận Bình Tân), chuyên mua ĐTDĐ của nhiều băng cướp nhưng ông ta cũng bảo "mua nhầm"…
Tuy nhiên, sau khi điều tra và chứng minh được rằng bà D. không mua nhầm (vì các tên cướp đều là mối quen của tiệm vàng K.T.S. và cửa hàng C.Th. và bà D., ông Th. mua vàng, ĐTDĐ với giá rất "bèo"), Cơ quan CSĐT Công an T.P HCM ra quyết định khởi tố bị can nhưng Viện Kiểm sát nhân dân T.P HCM không phê chuẩn.
Còn tiêu thụ đồ gian là xe gắn máy, do quy định người bán phải chứng minh chủ sở hữu và phải hoàn tất thủ tục sang tên nên bọn tiêu thụ dùng các thủ đoạn mà chúng tôi đã đề cập ở trên. Do vậy để triệt xóa "đầu ra" này, bên cạnh tăng cường công tác chống (phát hiện và truy bắt) thì phòng là yếu tố mang lại hiệu quả cao nhất.
Thiếu tá Nguyễn Phú Xuân, Đội phó Đội 4, PC45, Công an TP HCM khuyến cáo: "Nhiều người dân hiện nay khi mua lại xe cũ thường chỉ cần giấy đăng ký xe mà không làm thủ tục sang tên. Mà như vậy thì rất dễ mua nhầm xe giấy tờ giả, khi bị phát hiện không chỉ mất tiền mà nhiều trường hợp còn bị khởi tố.
Riêng các tiệm cầm đồ cần phải cẩn trọng trong việc thẩm định tài sản trước khi cầm cố. Đó là buộc người cầm phải xuất trình được hộ khẩu, CMND đồng thời dùng kính lúp soi dấu vân tay thì dễ dàng phát hiện dấu hiệu bất thường. Chỉ cần có ý thức như vậy thì sẽ tránh được hậu quả xấu có thể xảy ra".
Bên cạnh khuyến cáo này, thời gian vừa qua Ban Giám đốc Công an TP HCM cũng có văn bản chỉ đạo địa phương cần phải tuyên truyền vận động đi vào chiều sâu đối với các chủ tiệm vàng, cầm đồ, cửa hàng điện thoại di động… để họ có ý thức hơn trong việc phát hiện kẻ nghi vấn và báo cho cơ quan Công an xử lý.

Tập trung xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ

Vụ cháy chợ Quảng Ngãi vẫn còn âm ỉ trong lòng người dân cả nước. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi ngắn với Thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TPHCM xoay quanh những giải pháp tăng cường công tác PCCC tại TP.

Phóng viên: Thưa đồng chí, sau vụ cháy chợ Quảng Ngãi, lực lượng PCCC TPHCM đã tổ chức kiểm tra các chợ trên địa bàn chưa? Khi phát hiện sai phạm sẽ xử lý như thế nào?

Thiếu tướng Trần Triều Dương: Từ tháng 10-2010, Thành ủy, UBND TPHCM đã ban hành Chỉ thị 23 với nội dung tăng cường PCCC tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Hiện nay, chúng tôi đang mở đợt tổng kiểm tra về an toàn PCCC tại các địa điểm trên. Hiện đang là thời điểm lực lượng công an hưởng ứng thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, do vậy, công tác kiểm tra còn được tổ chức thường xuyên và nghiêm ngặt hơn. Tuy chưa có số liệu thống kê đầy đủ nhưng đáng mừng là các chợ, trung tâm thương mại ở TPHCM đã có một bước chấn chỉnh tình hình; đội bảo vệ và lực lượng PCCC tại chỗ đã có ý thức và chuyển biến tốt. Sau một thời gian dài hướng dẫn, họ đã tự kiểm tra cũng như tổ chức diễn tập. Tuy nhiên, qua theo dõi, chúng tôi đã phát hiện một số sơ hở, sai sót và qua phúc tra, phần lớn sai sót đó đã được họ khắc phục.

Vậy những thiếu sót trong công tác PCCC như Báo SGGP đã nêu sẽ được khắc phục như thế nào?

Chúng tôi cảm ơn Báo SGGP đã phản ánh những thiếu sót ở một số chợ về công tác PCCC. Sau khi đọc bài báo, tôi đã chỉ đạo các cơ quan nghiệp vụ kiểm tra lại và phải khắc phục, xử lý tức thời. Điều đáng ghi nhận là thời gian qua, nhiều chợ đã không ngần ngại đầu tư kinh phí để làm lại hệ thống điện và mua sắm bình chữa cháy, xây dựng hầm nước. Vấn đề cần rút kinh nghiệm là lực lượng bảo vệ, dân phòng, bảo vệ dân phố, đội PCCC cơ sở, chuyên ngành cần rèn luyện thêm chuyên môn, thực hiện nghiêm chỉnh công tác canh gác, tuần tra. Chúng tôi chia sẻ với khó khăn của các tiểu thương nhưng không vì thế mà lơ là, mất cảnh giác với PCCC được.

Không ít tiểu thương vẫn xem nhẹ công tác PCCC và xem đó là nhiệm vụ, trách nhiệm của lực lượng cảnh sát PCCC hay ban quản lý chợ. Công tác PCCC đâu chỉ là nhiệm vụ riêng của lực lượng cảnh sát PCCC hay của bảo vệ trung tâm thương mại? Vấn đề này cho thấy ý thức của một số tiểu thương đối với công tác PCCC chưa cao và đòi hỏi chúng tôi phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền.

TPHCM học tập mô hình trấn áp tội phạm của Hà Nội

Sau thành công từ mô hình trấn áp tội phạm và tệ nạn xã hội của công an Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ đề nghị công an 7 tỉnh thành, trong đó có TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, nghiên cứu học tập.

Sáng 23/2, Công an Hà Nội tổng kết 6 tháng triển khai lực lượng kiểm tra, xử lý các trường hợp điều khiển xe máy, ôtô lạng lách đánh võng, chở người sai quy định... mang theo vũ khi khi tham gia giao thông. Công an 7 tỉnh thành gồm TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Đồng Nai cũng có mặt.

Theo Công an Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2011, tội phạm hình sự trên địa bàn diễn biến phức tạp. Giám đốc công an thành phố quyết định mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm và tệ nạn xã hội, trong đó thành lập 5 tổ công tác đặc biệt (gồm cảnh sát hình sự, giao thông và cơ động) để kiểm tra, phát hiện xử lý người đi xe máy, ôtô vi phạm luật giao thông, có dấu hiệu phạm tội.

50 cán bộ này được đào tạo về kỹ năng xử lý, giải quyết tình huống có thể xảy ra trong khi làm nhiệm vụ và được trang bị đầy đủ công cụ hỗ trợ, như dùi cui điện, khóa số 8, bộ đàm... Địa bàn những cảnh sát "đặc biệt" hoạt động chủ yếu ở một số quận nội thành và các tuyến đường phức tạp.

Số hung khí tổ công tác đặc biệt của công an Hà Nội thu giữ thời gian qua. Ảnh: Thái Thịnh. 
"Có thêm lực lượng này, Tết Nhâm Thìn vừa qua Hà Nội không xảy ra đua xe trái phép, không có pháo nổ. Người dân được đón cái Tết yên vui nhất từ trước đến nay...", Thứ trưởng Công an Phạm Quý Ngọ nhấn mạnh.

Thống kê sơ bộ, trong 6 tháng triển khai mô hình, công an Hà Nội đã kiểm tra, xử lý gần 12.000 trường hợp vi phạm; thu giữ hàng trăm dao kiếm, súng, bình xịt hơi cay... Hơn 50 người vi phạm đã bị khởi tố.

Lãnh đạo công an thành phố cho biết, phạm pháp hình sự giảm 1,5% so với 6 tháng trước đó, riêng trọng án giảm 9%; chống người thi hành công vụ giảm 2,1%; cướp giật giảm gần 30%.

Đánh giá cao mô hình sáng tạo của Công an Hà Nội, trung tướng Phạm Quý Ngọ đề nghị 7 tỉnh thành phố cần tiếp tục nghiên cứu thí điểm thành lập mô hình giống công an Hà Nội để trấn áp các loại tội phạm... Ông Ngọ cũng yêu cầu công an Hà Nội cần triển khai mô hình này xuống cả các huyện ngoại thành và làm đến khi nào không còn tội phạm.

Sáng cùng ngày, nhiều cá nhân, tập thể được lãnh đạo Bộ Công an, UBND TP Hà Nội, Công an Hà Nội trao tặng Huân chương chiến công hạng ba, Bằng khen của Thủ tướng và Bộ Công an vì có thành tích trong đợt triển khai tấn công trấn áp tội phạm.

Những cuộc phá án trên đại lộ

Những chiếc xe lao như tên bắn dưới ánh đèn vàng vọt. Sau vài phút bị truy đuổi, 3 gã thanh niên bặm trợn ngã sõng xoài trên đại lộ dưới sự khống chế của trinh sát hình sự TP HCM.

Trong năm qua, Công an TP HCM liên tiếp nhận được trình báo của các nạn nhân bị cướp tài sản trên tuyến Đại lộ Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh... Sáng 5/6/2011 nhận được tin báo, cảnh sát đến khu phố 3, phường An Lạc, quận Bình Tân thì thấy anh Nguyễn Đức Anh Khoa (36 tuổi, ngụ quận 8) nằm chết bên vệ đường với nhiều vết đâm. Cạnh bên là chiếc kéo dính đầy máu nghi là hung khí gây án, xe máy của anh Khoa không còn tại hiện trường.

Qua lời khai các nạn nhân từng bị cướp trên tuyến đường này, cảnh sát cho rằng có thể do cùng một băng nhóm thực hiện. Ban giám đốc công an TP HCM đã tung lực lượng đặc nhiệm vào cuộc điều tra.

Băng nhóm gây ra hàng chục vụ cướp trên đại lộ Võ Văn Kiệt. Ảnh: Q.T 

Nhiều tổ trinh sát được tung ra bám sát các thanh niên có biểu hiện nghi vấn. Sau nhiều ngày đêm theo dấu, rạng sáng 11/8/2011, cảnh sát phát hiện 2 thanh niên có điệu bộ khả nghi đi lang thang trên đại lộ Võ Văn Kiệt nên ra hiệu dừng xe. Bộ đôi này hoảng hốt tăng ga tháo chạy. Chúng đánh võng, lạc lách và ép đầu xe cảnh sát khi bị đuổi kịp. Tuy nhiên chỉ trong tích tắc chúng đã bị khống chế sau cú ra đòn của các trinh sát.

Vài giờ sau, 3 đồng bọn khác của chúng cũng sa lưới pháp luật. Kẻ cầm đầu băng nhóm là Đặng Hoàng Vũ (21 tuổi, ngụ Tây Ninh) khai nhận, đã cùng đàn em thực hiện hàng chục vụ "ăn hàng" trên tuyến đường này. Trong đó có phi vụ đâm chết anh Khoa để cướp xe.

Mới đây, công an huyện Bình Chánh cũng bắt được băng nhóm gây hàng chục vụ cướp tài sản trên đại lộ Nguyễn Văn Linh. Thủ đoạn của chúng là khi thấy “con mồi” đi đến đoạn đường vắng, sẽ vượt lên đạp ngã xe rồi dùng mã tấu tấn công, cướp tài sản.

Đại úy Nguyễn Văn Định (Phó đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về Trật tự xã hội, công an huyện Bình Chánh) cho biết, huyện đã tung hàng chục mũi trinh sát bám sát địa hình, xác định ban đầu một số nghi can có biểu hiện lạ. “Những tên này thường đi lang thang dọc đại lộ Nguyễn Văn Linh vào ban đêm nhưng do địa bàn rộng lớn, nên việc theo dõi rất khó khăn”, đại úy Định nói.

Những biện pháp nghiệp vụ được áp dụng triệt để, nhiều lính hình sự giả làm kẻ "vô công rồi nghề" lê la các quán cà phê cóc thu thập thông tin. Đêm 10/2, cảnh sát phát hiện 4 thanh niên có nhân dạng giống những kẻ cướp mà các nạn nhân trình báo nên bám theo. Đến đoạn đường tối thuộc ấp 3, xã An Phú Tây (huyện Bình Chánh), bọn chúng đi chậm lại khi phát hiện một phụ nữ dừng xe nghe điện thoại bên lề đường.

Băng cướp trên đại lộ Nguyễn Văn Linh. Ảnh: T.H
Nhóm này quay xe đi ngược chiều để áp sát con mồi. Một tên trong nhóm bất ngờ đạp ngã người phụ nữ, những tên còn lại rút mã tấu lao vào tấn công làm nạn nhân tháo chạy. Bọn chúng ung dung lấy chiếc xe tay ga rồi tăng tốc chạy về hướng Quốc lộ 1A để tẩu thoát.

Cuộc truy đuổi của lính hình sự với nhóm cướp trong đêm gây náo loạn trên đường. Sau hơn 2km, cảnh sát đã khống chế được 3 tên trong nhóm. Gã còn lại chui vào bụi rậm lẩn trốn, sáng hôm sau cũng ra đầu thú.

Chân tướng những kẻ cầm đầu dần lộ diện là Lê Văn Tây (18 tuổi, quê An Giang) và Phạm Thành Hưng (24 tuổi, quê Tiền Giang). Mở rộng điều tra, cảnh sát đã bắt hơn 10 tên khác có liên quan đến băng cướp tại phòng trọ ở phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân). Tang vật thu giữ gồm 2 mã tấu, 3 xe máy.

Theo cơ quan điều tra, băng nhóm này gồm những thanh niên “dạt nhà” tụ tập sống với nhau theo kiểu bầy đàn và đều nghiện “hàng đá” nặng. Số tài sản cướp được, bọn chúng đều tiêu hết vào ma túy.
Tháng 9/2011, 15 người trong băng cướp do anh em Hồ Văn Lùng cầm đầu đã phải lĩnh án từ 1 năm 6 tháng đến 23 năm tù vì gây ra 35 vụ cướp xe máy tại TP HCM và các tỉnh lân cận. Có ngày bọn chúng gây ra đến 4 vụ.