Trang

Showing posts with label Ban Giám đốc Công an TP HCM. Show all posts
Showing posts with label Ban Giám đốc Công an TP HCM. Show all posts

Chiến công thầm lặng của lực lượng hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát Công an TPHCM

Suốt chặng đường hơn nửa thế kỷ phấn đấu, trưởng thành, cán bộ chiến sĩ lực lượng hồ sơ Công an Nhân dân đã đóng góp phần công sức không nhỏ trong sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc và của ngành. 

Chặng đường vinh quang nhưng thầm lặng, trong suốt 55 năm qua cán bộ chiến sĩ lực lượng hồ sơ Công an Nhân dân nói chung và hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát nói riêng đã vượt lên gian khổ, hy sinh, nhất là trong thời kỳ trải qua hai cuộc kháng chiến vệ quốc ác liệt để thu thập, bảo quản, vận chuyển hồ sơ tài liệu phục vụ yêu cầu công tác. 

Công an TPHCM: Lần tìm đầu mối vụ án qua những tàng thư
Lần tìm đầu mối vụ án qua những tàng thư

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Công an Thành phố thành lập Phòng hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát (NVCS) và Phòng hồ sơ nghiệp vụ an ninh. Từ đó đến nay, lực lượng này đã kế thừa những kinh nghiệm của người đi trước và không ngừng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong việc quản lý, khai thác hồ sơ, trở thành điểm đầu mối để đồng đội phá án, nhất là trong những vụ trọng án mà mọi tang chứng tưởng như đã đi vào ngõ cụt. Như con ong chăm chỉ, cần mẫn và chu đáo, những chiến sĩ của Phòng hồ sơ NVCS ngày đêm tìm hiểu, nghiên cứu tàng thư, lần tìm trong hàng triệu chỉ bản của những dấu vân tay để tìm người thân cho các nạn nhân xấu số không giấy tờ tùy thân gặp nạn bất đắc kỳ tử được về với gia đình. Ngày ngày làm bạn với kính lúp, kính hiển vi, các anh các chị miệt mài "đọc" những vân tay nhạt nhòa vì dính máu của các vụ trọng án để lần tìm ra đầu mối, góp phần quyết định quan trọng trong những trận phá án ngoạn mục của đồng nghiệp, lôi hung thủ ra ánh sáng pháp luật. Còn nhớ vụ án mạng xảy ra tại khách sạn Q.T (quận 1) cách đây hơn 10 năm mà nạn nhân bị hung thủ nhẫn tâm chặt đầu. Vụ án là những dấu hỏi lớn và chỉ được trả lời sau bao ngày đêm lao động vất vả của các chiến sĩ đi tìm dữ liệu từ hàng triệu dấu vân tay trong tàng thư lưu trữ. Rất nhanh sau đó đầu mối vụ án đã hé mở khi xác định được nạn nhân là Ngũ Lương (SN 1958, ngụ quận 5). Mới đây nhất là vụ án giết người giấu xác vào bao tải vứt tại phường Linh Đông, quận Thủ Đức. Sau khi xác định nạn nhân là cô T.L.H.A, lực lượng công an nhanh chóng xác định hung thủ. Cuối năm 2011, kẻ giết người tên Nguyễn Hữu Tú (tự Bo, SN 1988, ngụ thị trấn Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, tạm trú quận Gò Vấp, TPHCM) bị bắt. Không chỉ lần tìm được các manh mối ban đầu của những vụ trọng án mà với nghiệp vụ sắc sảo, các cán bộ chiến sĩ Phòng hồ sơ NVCS còn tìm ra hàng loạt thông tin về các đối tượng truy nã đã thay tên đổi họ nhằm che giấu tội lỗi và tráo người làm CMND...

Công an TPHCM: Khối lượng công việc rất lớn của cán bộ chiến sĩ làm công tác tàng thư CMND
Khối lượng công việc rất lớn của cán bộ chiến sĩ làm công tác tàng thư CMND

Sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc đến những đóng góp to lớn của các cán bộ chiến sĩ làm công tác tham mưu nhằm triển khai kịp thời nhiều chỉ thị sát thực, cần kíp của Ban giám đốc Công an Thành phố và của Bộ Công an hoặc những chiến sĩ luôn có sáng kiến trong việc ứng dụng tin học vào quản lý hồ sơ tội phạm hay những chiến sĩ làm công tác tàng thư CMND... Và việc làm lặng lẽ nhưng có ý nghĩa xã hội lớn lao gần đây nhất là các cán bộ chiến sĩ của Phòng hồ sơ NVCS đã giúp đỡ những phóng viên của Đài Truyền hình Việt Nam làm chương trình truyền hình nhân đạo "Như chưa hề có cuộc chia ly", xác định đúng được người thân lưu lạc của nhiều gia đình đang cần tìm.

Với nhiều thành tích xuất sắc góp phần vào việc giữ gìn an ninh trật tự xã hội, thời gian qua Phòng hồ sơ NVCS đã vinh dự đón nhận Huân chương Chiến công hạng II, III; nhiều cán bộ chiến sĩ được nhận Huân chương Chiến công hạng I, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố, Tổng cục Cảnh sát và Ban giám đốc Công an TPHCM.

Cần "nói không" với đồ gian để kéo giảm tội phạm

Để triệt xóa "đầu ra" của bọn tội phạm, cơ quan Công an rất cần sự giúp sức của người dân, nhất là các chủ tiệm vàng, cầm đồ, cửa hàng mua bán ĐTDĐ… trong việc "nói không" với đồ gian cũng như nâng cao cảnh giác để tránh bị sập bẫy bọn tội phạm làm giấy tờ giả mang đồ gian đi tiêu thụ…

Mỗi năm, T.P HCM xảy ra hàng ngàn vụ cướp của, cướp giật và trộm cắp (riêng năm 2011 xảy ra 428 vụ cướp của, 1.265 vụ cướp giật và 2.764 vụ trộm) nên lượng tài sản (chủ yếu xe gắn máy, ĐTDĐ và vòng vàng) là đồ gian rất lớn. Qua thực tế các vụ án đã được khám phá thì hầu hết tài sản trộm, cướp được bọn tội phạm đều tiêu thụ một cách trót lọt.
Do vậy, để triệt xóa "đầu ra" của bọn tội phạm, bên cạnh tăng cường công tác phát hiện, xử lý nghiêm những kẻ tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, cơ quan Công an rất cần sự giúp sức của người dân, nhất là các chủ tiệm vàng, cầm đồ, cửa hàng mua bán điện thoại di động (ĐTDĐ)… trong việc "nói không" với đồ gian cũng như nâng cao cảnh giác để tránh bị sập bẫy bọn tội phạm làm giấy tờ giả mang đồ gian đi tiêu thụ…

Đường đi của đồ gian

Giữa năm 2010, đường dây trộm cắp và tiêu thụ xe gian (xe gắn máy) liên tỉnh với quy mô lớn do đối tượng Nguyễn Ngọc Hoàn (48 tuổi; ngụ 40/7A, Phạm Văn Chiêu, phường 12, Gò Vấp) cầm đầu bị triệt xóa.
Tuy hoạt động mới nửa năm nhưng băng tội phạm này đã tiêu thụ hơn 1.000 xe gian với cùng một phương thức. Hoàn khai, sau khi mua xe của các đối tượng trộm cắp ở TP HCM và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương… y sẽ giao cho hai "đệ tử ruột" là Nguyễn Trung Hiếu (31 tuổi; ngụ Tân Chánh Hiệp, quận 12) và Nguyễn Quang Thành (32 tuổi; quê quán Hà Tĩnh) mang xe đến một trong ba địa điểm bí mật để cất giấu.

Nguyễn Ngọc Hoàn, đối tượng cầm đầu băng tiêu thụ hơn 1.000 xe gian cùng tang vật.
Khi số lượng xe kha khá, Hoàn sẽ đặt hàng cho Trần Đức An (37 tuổi; ngụ quận 12, T.P HCM) làm giấy tờ giả (gồm giấy đăng ký xe, giấy CMND và giấy chứng thực mua bán) rồi giao xe cho các đồng bọn gồm Thành, Oai, Tuấn, Vịnh, Ngọc, Hà mang đi cầm hoặc đem bán. Đến nay, cơ quan Công an đã thu hồi được gần 150 chiếc xe gắn máy các loại.
Tương tự là băng nhóm tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có, làm giả con dấu, tài liệu cơ quan nhà nước do Nguyễn Bá Hiếu và đồng bọn gây ra nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản các tiệm cầm đồ. Khi bị Công an quận Tân Phú bắt giữ, Hiếu khai, sau khi mua, y bỏ ra khoảng 2 triệu đồng để làm bộ hồ sơ gồm giấy đăng ký xe, CMND giả rất tinh vi khó phát hiện bằng mắt thường.
Tiếp đó, Hiếu chỉ đạo đàn em trực tiếp mang xe đến tiệm cầm đồ cầm với giá từ 17 đến 25 triệu đồng. Trong số 5 tiệm cầm đồ bị sập bẫy băng của Hiếu có một tiệm cầm đồ trên đường 3-2 (phường 16, quận 11) bị "dính" đến 4 chiếc Air Blade, thiệt hại 100 triệu đồng.
Ngoài việc giấy tờ cầm cố theo xe được làm giả, các đối tượng này còn cạo sửa số khung số máy hiển thị trên giấy đăng ký xe thật (do chúng mua được từ những người bị mất xe) sao cho trùng khớp rồi mang cầm hoặc bán và đều thực hiện trót lọt.
Một kiểu tiêu thụ xe gian khác đó là phương thức hoạt động của băng tội phạm do Phan Văn Khanh (Khanh "tóc dài", quê quán Đức Huệ, Long An) cầm đầu bị Phòng PC 45, Công an T.P HCM bắt giữ vào tháng 3/2011.
Khi cần xe gian, Khanh "tóc dài" sẽ điện thoại cho một "siêu" trộm là Hoàng Văn Đông (28 tuổi; quê quán huyện Đô Lương, Nghệ An) để đặt hàng. Sau khi trộm được Đông giao xe liền cho Khanh và Khanh cũng trao tay ngay cho một đối tượng người Camphuchia để "chẻ" về Đức Hoà (Long An) rồi đưa sang Campuchia theo đường tiểu ngạch.

Những khuyến cáo của cơ quan Công an

Theo các điều tra viên, trinh sát thuộc Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm (Đội 3) và Đội chống trộm cắp, lừa đảo (Đội 4), Phòng PC45, Công an T.P HCM thì đồ gian dễ dàng tiêu thụ nhất hiện nay là ĐTDĐ và vàng. Bởi lẽ theo quy định hiện hành thì việc bán vàng, ĐTDD cùng nhiều tài sản khác thì người bán không phải chứng minh mình là chủ sở hữu.
Do vậy để chứng minh ý thức chủ quan của chủ tiệm vàng, cửa hàng mua bán ĐTDĐ trong việc mua đồ gian là rất khó. Điển hình như tiệm vàng K.T.S ở quận Bình Tân, nơi tiêu thụ đồ gian của nhiều băng tội phạm trong nhiều năm qua nhưng đến nay người chủ tiệm này vẫn chưa một lần bị xử lý.
Khi được cơ quan Công an mời làm việc, bà D., chủ tiệm cũng thừa nhận mình có mua hàng chục sợi dây chuyền bị đứt của khách hàng nhưng khăng khăng bảo mình mua nhầm chứ không hề có chủ ý mua tài sản do người khác phạm tội mà có. Tương tự là ông Th., chủ cửa hàng ĐTDĐ C. Th. (quận Bình Tân), chuyên mua ĐTDĐ của nhiều băng cướp nhưng ông ta cũng bảo "mua nhầm"…
Tuy nhiên, sau khi điều tra và chứng minh được rằng bà D. không mua nhầm (vì các tên cướp đều là mối quen của tiệm vàng K.T.S. và cửa hàng C.Th. và bà D., ông Th. mua vàng, ĐTDĐ với giá rất "bèo"), Cơ quan CSĐT Công an T.P HCM ra quyết định khởi tố bị can nhưng Viện Kiểm sát nhân dân T.P HCM không phê chuẩn.
Còn tiêu thụ đồ gian là xe gắn máy, do quy định người bán phải chứng minh chủ sở hữu và phải hoàn tất thủ tục sang tên nên bọn tiêu thụ dùng các thủ đoạn mà chúng tôi đã đề cập ở trên. Do vậy để triệt xóa "đầu ra" này, bên cạnh tăng cường công tác chống (phát hiện và truy bắt) thì phòng là yếu tố mang lại hiệu quả cao nhất.
Thiếu tá Nguyễn Phú Xuân, Đội phó Đội 4, PC45, Công an TP HCM khuyến cáo: "Nhiều người dân hiện nay khi mua lại xe cũ thường chỉ cần giấy đăng ký xe mà không làm thủ tục sang tên. Mà như vậy thì rất dễ mua nhầm xe giấy tờ giả, khi bị phát hiện không chỉ mất tiền mà nhiều trường hợp còn bị khởi tố.
Riêng các tiệm cầm đồ cần phải cẩn trọng trong việc thẩm định tài sản trước khi cầm cố. Đó là buộc người cầm phải xuất trình được hộ khẩu, CMND đồng thời dùng kính lúp soi dấu vân tay thì dễ dàng phát hiện dấu hiệu bất thường. Chỉ cần có ý thức như vậy thì sẽ tránh được hậu quả xấu có thể xảy ra".
Bên cạnh khuyến cáo này, thời gian vừa qua Ban Giám đốc Công an TP HCM cũng có văn bản chỉ đạo địa phương cần phải tuyên truyền vận động đi vào chiều sâu đối với các chủ tiệm vàng, cầm đồ, cửa hàng điện thoại di động… để họ có ý thức hơn trong việc phát hiện kẻ nghi vấn và báo cho cơ quan Công an xử lý.

Những cuộc phá án trên đại lộ

Những chiếc xe lao như tên bắn dưới ánh đèn vàng vọt. Sau vài phút bị truy đuổi, 3 gã thanh niên bặm trợn ngã sõng xoài trên đại lộ dưới sự khống chế của trinh sát hình sự TP HCM.

Trong năm qua, Công an TP HCM liên tiếp nhận được trình báo của các nạn nhân bị cướp tài sản trên tuyến Đại lộ Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh... Sáng 5/6/2011 nhận được tin báo, cảnh sát đến khu phố 3, phường An Lạc, quận Bình Tân thì thấy anh Nguyễn Đức Anh Khoa (36 tuổi, ngụ quận 8) nằm chết bên vệ đường với nhiều vết đâm. Cạnh bên là chiếc kéo dính đầy máu nghi là hung khí gây án, xe máy của anh Khoa không còn tại hiện trường.

Qua lời khai các nạn nhân từng bị cướp trên tuyến đường này, cảnh sát cho rằng có thể do cùng một băng nhóm thực hiện. Ban giám đốc công an TP HCM đã tung lực lượng đặc nhiệm vào cuộc điều tra.

Băng nhóm gây ra hàng chục vụ cướp trên đại lộ Võ Văn Kiệt. Ảnh: Q.T 

Nhiều tổ trinh sát được tung ra bám sát các thanh niên có biểu hiện nghi vấn. Sau nhiều ngày đêm theo dấu, rạng sáng 11/8/2011, cảnh sát phát hiện 2 thanh niên có điệu bộ khả nghi đi lang thang trên đại lộ Võ Văn Kiệt nên ra hiệu dừng xe. Bộ đôi này hoảng hốt tăng ga tháo chạy. Chúng đánh võng, lạc lách và ép đầu xe cảnh sát khi bị đuổi kịp. Tuy nhiên chỉ trong tích tắc chúng đã bị khống chế sau cú ra đòn của các trinh sát.

Vài giờ sau, 3 đồng bọn khác của chúng cũng sa lưới pháp luật. Kẻ cầm đầu băng nhóm là Đặng Hoàng Vũ (21 tuổi, ngụ Tây Ninh) khai nhận, đã cùng đàn em thực hiện hàng chục vụ "ăn hàng" trên tuyến đường này. Trong đó có phi vụ đâm chết anh Khoa để cướp xe.

Mới đây, công an huyện Bình Chánh cũng bắt được băng nhóm gây hàng chục vụ cướp tài sản trên đại lộ Nguyễn Văn Linh. Thủ đoạn của chúng là khi thấy “con mồi” đi đến đoạn đường vắng, sẽ vượt lên đạp ngã xe rồi dùng mã tấu tấn công, cướp tài sản.

Đại úy Nguyễn Văn Định (Phó đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về Trật tự xã hội, công an huyện Bình Chánh) cho biết, huyện đã tung hàng chục mũi trinh sát bám sát địa hình, xác định ban đầu một số nghi can có biểu hiện lạ. “Những tên này thường đi lang thang dọc đại lộ Nguyễn Văn Linh vào ban đêm nhưng do địa bàn rộng lớn, nên việc theo dõi rất khó khăn”, đại úy Định nói.

Những biện pháp nghiệp vụ được áp dụng triệt để, nhiều lính hình sự giả làm kẻ "vô công rồi nghề" lê la các quán cà phê cóc thu thập thông tin. Đêm 10/2, cảnh sát phát hiện 4 thanh niên có nhân dạng giống những kẻ cướp mà các nạn nhân trình báo nên bám theo. Đến đoạn đường tối thuộc ấp 3, xã An Phú Tây (huyện Bình Chánh), bọn chúng đi chậm lại khi phát hiện một phụ nữ dừng xe nghe điện thoại bên lề đường.

Băng cướp trên đại lộ Nguyễn Văn Linh. Ảnh: T.H
Nhóm này quay xe đi ngược chiều để áp sát con mồi. Một tên trong nhóm bất ngờ đạp ngã người phụ nữ, những tên còn lại rút mã tấu lao vào tấn công làm nạn nhân tháo chạy. Bọn chúng ung dung lấy chiếc xe tay ga rồi tăng tốc chạy về hướng Quốc lộ 1A để tẩu thoát.

Cuộc truy đuổi của lính hình sự với nhóm cướp trong đêm gây náo loạn trên đường. Sau hơn 2km, cảnh sát đã khống chế được 3 tên trong nhóm. Gã còn lại chui vào bụi rậm lẩn trốn, sáng hôm sau cũng ra đầu thú.

Chân tướng những kẻ cầm đầu dần lộ diện là Lê Văn Tây (18 tuổi, quê An Giang) và Phạm Thành Hưng (24 tuổi, quê Tiền Giang). Mở rộng điều tra, cảnh sát đã bắt hơn 10 tên khác có liên quan đến băng cướp tại phòng trọ ở phường Bình Hưng Hòa A (quận Bình Tân). Tang vật thu giữ gồm 2 mã tấu, 3 xe máy.

Theo cơ quan điều tra, băng nhóm này gồm những thanh niên “dạt nhà” tụ tập sống với nhau theo kiểu bầy đàn và đều nghiện “hàng đá” nặng. Số tài sản cướp được, bọn chúng đều tiêu hết vào ma túy.
Tháng 9/2011, 15 người trong băng cướp do anh em Hồ Văn Lùng cầm đầu đã phải lĩnh án từ 1 năm 6 tháng đến 23 năm tù vì gây ra 35 vụ cướp xe máy tại TP HCM và các tỉnh lân cận. Có ngày bọn chúng gây ra đến 4 vụ.

Công an TPHCM: "Quái xế"… trở lại!

Hồi cuối năm 2011, TP.Hồ Chí Minh triển khai thí điểm đưa vào sử dụng rào chắn di động, có gắn đèn tín hiệu để chống đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, làm mất an toàn giao thông, thì tình trạng “quái xế” giảm hẳn.

Trong tháng đầu năm 2012, không xảy ra vụ nào, nhưng trong những ngày qua, “quái xế” đã tung hoành trở lại.

A dua bầy đàn…

Tại cuộc họp mới đây (9.2.2012) của Công an TP.Hồ Chí Minh về báo cáo kết quả tình hình an ninh trật tự từ đầu năm 2012, có điều đáng mừng là đã không xảy ra nạn gây rối bằng xe gắn máy (còn gọi là quái xế) vào các đêm cuối tuần. Thậm chí, trong tháng 1.2012, Ban Giám đốc Công an TP.Hồ Chí Minh vừa công bố: “Không xảy ra tình trạng thanh thiếu niên chạy xe gây rối trật tự công cộng”,… nhưng bất ngờ, đầu tháng 2.2012, vào đêm cuối tuần, 11 và rạng sáng 12.2, CSGT đã “hốt” gần cả trăm “quái xế” trên địa bàn quận Gò Vấp và tình trạng này đang có dấu hiệu trở lại. Qua phân tích và đánh giá của CSGT đối với những đối tượng bị xử lý tham gia những tốp xe gây rối trật tự an toàn giao thông, thì hầu hết đều là giới trẻ, có nhiều học sinh, sinh viên nhưng lại thích “chơi đêm” và thiếu sự quản lý của gia đình.
Trong đó, phải đề cập đến khá nhiều học sinh, sinh viên ở các tỉnh thành khác đến TP.Hồ Chí Minh học tập, nhưng lại rơi vào “thú” chơi đêm và tốc độ. Tuy nhiên, những đối tượng kích động bằng những xe gắn máy độ chế, có tiếng nổ ống pô gầm rú kinh hoàng thì ít, nhưng đám đông đi theo (còn gọi là ăn theo) thì nhiều. Chính những “quái xế” ăn theo, kiểu bầy đàn chạy theo những kẻ kích động là đa số. Do vậy, khi bị CSGT bắt giữ xe, rất nhiều đối tượng cho rằng mình chỉ chạy xe theo… cho vui. Và chính cái ham vui trong chốc lát, hay ham vui vì tốc độ ấy đã làm rất nhiều gia đình khốn đốn, vì tai nạn luôn chực chờ trên đường, khi bị xử lý thì chịu mức phạt cao, thậm chí tiền phạt theo quy định hiện nay có thể vượt quá trị giá tài sản chiếc xe vi phạm. Rồi đã là “quái xế”, thì phải làm bản kiểm điểm trước tổ dân phố, nơi cư ngụ, có xác nhận đàng hoàng mới được xử phạt trả xe, nếu tái phạm thì bị lập hồ sơ đưa đi giáo dục tập trung… đó là những điều mà rất nhiều thanh thiếu niên hiện nay chưa biết nếu lỡ ra đường muốn thành “quái xế”.


Cần phạt nặng và bổ sung luật, bắt giữ cả đối tượng “quái xế” để truy cứu trách nhiệm hình sự. Ảnh: Phùng Bắc

Phải tăng mức phạt…

Theo một cán bộ CSGT với bề dày hàng chục năm tham gia phòng chống đua xe trái phép, thì mức phạt hiện nay đã được điểu chỉnh theo Nghị định 34 của Chính phủ. Tuy nhiên, với mức phạt tính trung bình một “quái xế” bị xử lý thì khoảng 5 triệu đồng. Người lao động thấy số tiền này là lớn, nhưng đối với những “quái xế” thì chưa đủ sức răn đe và giáo dục. Có thể tăng mức xử phạt lên mức cao tột đỉnh, đó là ý kiến đa số mà nhiều CSGT cho biết khi hỏi về vấn đề này. Ví dụ, một trường hợp “quái xế” sử dụng xe gắn máy tụ tập kéo nhau thành đoàn, gây rối trật tự an toàn giao thông, làm mất trật tự công cộng, nẹt pô, đánh võng, lạng lách, nhổng đầu là những lỗi thường gặp, thì mức phạt cần được áp dụng phải từ 30 đến 50 triệu đồng, mới đủ sức răn đe cũng như ngăn ngừa những thanh thiếu niên bốc đồng muốn làm “quái xế”.
Cũng theo những cán bộ chiến sĩ CSGT phân tích, theo Nghị định 34 của Chính phủ, mức phạt một trường hợp buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, bình thường, đơn giản và diễn ra hầu như trên khắp các tuyến đường, đâu đâu cũng thấy vi phạm kiểu này, đã có mức phạt là từ 20-25 triệu đồng, do vậy mức phạt hiện nay là còn… quá nhẹ!
Ngoài biện pháp cần tăng mức phạt, thì các biện pháp áp dụng bổ sung cũng cần được xem xét. Như hiện nay, việc phải làm kiểm điểm trước tổ dân phố vẫn chưa đủ mức răn đe và giáo dục, vì có rất nhiều đối tượng bỏ luôn xe vi phạm. Hiện thị trường xe gắn máy chỉ vài triệu đồng là có một “con ngựa sắt” rồi độ chế ít tiền đã đủ để “chơi”, vì vậy, cứ bị bắt giữ xe, “quái xế” đánh bài chuồn, bỏ xe chạy lấy người.
Theo một cán bộ CSGT, đối với tệ nạn này, cần bổ sung luật để áp dụng truy cứu trách nhiệm hình sự, với khung hình phạt tù, chứ không phải như hiện nay chỉ có áp dụng đối với tội “đua xe trái phép”, là phải có điểm xuất phát, đích đến, có “trọng tài”, có cá độ tiền bạc… mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mà đối tượng nào tham gia vào những tốp kéo nhau thành đoàn, nẹt pô, nhổng đầu, lạng lách, đánh võng, thậm chí là tụ tập cổ vũ để cho những đối tượng dùng xe gắn máy gây rối trật tự an toàn giao thông, gây rối trật tự công cộng bằng xe gắn máy thì cần áp dụng biện pháp truy cứu trách nhiệm hình sự. Có làm mạnh tay hình phạt nặng, thì mới hy vọng dẹp được nạn “quái xế” hoành hành ở các thành phố, đặc biệt là ở TP.Hồ Chí Minh, một cán bộ lão thành CSGT trăn trở như vậy.

Nhận diện tội phạm hoạt động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

Trong năm 2011, toàn TP HCM xảy ra 5.404 vụ phạm pháp hình sự, so với cùng kỳ năm 2010 giảm 433 vụ, tỷ lệ 7,42%. Một số loại án thường xảy ra như giết cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản… đều giảm khá nhiều, tuy nhiên, về phương thức và thủ đoạn gây án thì ngày càng liều lĩnh và tinh vi hơn.

Đáng lo ngại nhất là năm 2011, loại án chống người thi hành công vụ tăng đột biến, gần gấp đôi so với năm trước. Án giết người cũng tăng gần 10% mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ trong đời sống thường nhật. Chính vì diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm nên việc nhận diện tội phạm để người dân nêu cao cảnh giác, góp phần cùng nhà chức trách tăng cường công tác phòng chống tội phạm trong thời gian tới là mục đích của bài viết này.

Trộm, cướp bây giờ "lịch sự" hơn xưa


Nếu như trước đây, những tên cướp của thường hoạt động về đêm, chọn khu vực vắng vẻ rồi dùng hung khí khống chế nạn nhân cướp tài sản thì nay chúng táo tợn và liều lĩnh hơn là cướp cả vào ban ngày, giữa chỗ đông người và vào tận nhà để cướp.

Theo thống kê của Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an TP HCM, trong năm 2011 có 428 vụ cướp tài sản xảy ra thì có đến 157 vụ đối tượng (có từ 2 người trở lên) dùng xe gắn máy, ôtô lưu thông trên đường ép xe nạn nhân đánh cướp; 57 vụ đối tượng giả dạng là người đi mua nhà, đất… để vào tận nhà nạn nhân khống chế cướp tài sản.

Địa điểm gây án hầu hết ở khu vực vùng ven và ngoại thành mà 3 địa bàn quận Bình Tân, Thủ Đức và huyện Bình Chánh là nơi xảy ra nhiều nhất. Cùng hệ với cướp tài sản là cướp giật tài sản, có 1.265 vụ xảy ra trong năm 2011. Độ tuổi của tội phạm loại án này ngày càng trẻ hóa với gần 80% dưới 30 tuổi.

Đặc điểm của chúng cũng khác trước, không còn ăn mặc bụi bặm, đi xe "bèo", tóc nhuộm đỏ, xanh mà ăn mặt khá lịch sự, đi xe đời mới có giá trị cao như Spacy, SH, @... trông giống như công tử con nhà giàu để đánh lừa nạn nhân và lực lượng truy bắt. Thực chất các loại xe này chúng mua của các đối tượng trộm cắp với giá rẻ rồi gắn biển số giả đi cướp giật.

Băng trộm tài sản bị Phòng PC 45, Công an TP HCM bắt giữ.

Trộm cắp tài sản là loại án luôn chiếm tỷ lệ cao, thông thường hơn 50% trên tổng số vụ phạm pháp hình sự trong một địa bàn. Và qua thực tế cũng cho thấy án này năm sau luôn cao hơn năm trước và tỷ lệ khám phá án cũng đạt rất thấp. Tuy nhiên, năm 2011 nhờ nỗ lực trong công tác phòng chống và triệt phá nhiều băng nhóm trộm cắp và tiêu thụ xe gian liên tỉnh với quy mô lớn nên án trộm cắp tại TP HCM giảm đến 22,4% so với năm 2010, tức chỉ xảy ra 2.764 vụ.

Trong đó gần phân nửa là trộm cắp xe gắn máy. Đối tượng gây án hầu hết là dân chuyên nghiệp có nhiều tiền án nên thừa thủ đoạn và "kinh nghiệm" trộm xe. Mỗi tên trộm như vậy đều trang bị cho mình một bộ đồ nghề thuộc dạng "tối tân" nhất với chìa khóa vạn năng, kìm cộng lực, con đội…

Điều đáng lo ngại nhất là bọn trộm thời nay câu kết rất chặt với những đường dây tiêu thụ xe gian chứ không còn kiểu "bán tháo" với giá "bèo" như trước đây nên rất khó khăn cho công tác điều tra, khám phá án. Chính vì sự chuyên nghiệp của bọn tội phạm nên có thể nói không có bất kỳ loại khóa nào mà chúng không mở được nên việc mọi người cần phải giữ gìn, trông coi tài sản của mình là giải pháp tối ưu nhất

Báo động gây án từ mâu thuẫn nhỏ


Trong 164 vụ giết người năm 2011 (tăng 9,33%) có đến 101 vụ xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống hằng ngày, nhất là ở nhóm các đối tượng thanh thiếu niên, học sinh chơi bời lêu lổng. Chỉ cần một cái nhìn, một câu nói đùa, một cú quệt xe… là có thể xảy ra án mạng.

Nỗi lo này càng nhân lên khi chỉ trong tháng đầu tiên của năm 2012, toàn TP HCM xảy ra đến 15 vụ giết người, tăng 66,66% so với cùng kỳ năm trước. Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP HCM, đối với loại án giết người xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ thì công tác phòng chống rất khó bởi đó là những hành động bột phát, mang tính nhất thời.

Cho nên, yếu tố có thể kìm hãm loại tội phạm này một cách hiệu quả nhất là sự giáo dục từ phía gia đình. Bên cạnh đó là công tác tuyên truyền, vận động người dân sống và làm việc theo pháp luật; phát huy truyền thống tình làng nghĩa xóm, sống chan hòa, nhường nhịn nhau và sự giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể địa phương cũng là một giải pháp tích cực.

Cũng là những xung đột nhỏ nhưng thiếu kiềm chế dẫn đến gây án là loại án chống người thi hành công vụ. Trong tổng số 65 vụ án xảy ra trong năm 2011 thì phần lớn là xuất phát từ mâu thuẫn phát sinh giữa người đi đường với lực lượng Cảnh sát giao thông trong lúc làm nhiệm vụ xử phạt vi phạm hành chính về an toàn giao thông.

Hầu hết người vi phạm manh động, chống người thi hành công vụ đều bị xử lý nghiêm theo pháp luật. Tuy nhiên, Thiếu tướng Phan Anh Minh cũng lưu ý về tác phong của lực lượng Cảnh sát giao thông khi thi hành nhiệm vụ chưa được chuẩn, đúng điều lệnh cũng là một trong những nguyên nhân phát sinh hành vi phạm pháp. Vì vậy mà lãnh đạo lực lượng Cảnh sát giao thông cũng cần nhanh chóng chấn chỉnh để phục vụ nhân dân được tốt hơn.

Từ tình hình trên nên ngay đầu năm 2012, Ban Giám đốc Công an TP HCM đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ đẩy mạnh thực hiện các kế hoạch, chuyên đề đấu tranh chuyên sâu theo từng hệ loại đối tượng; các giải pháp phòng ngừa... để tiếp tục giữ bình yên, an toàn cho người dân trên thành phố mang tên Bác
Theo CAND Online