Trang

Còn nhiều bất cập và kẽ hở

Quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhảy cảm”:

Còn nhiều bất cập và kẽ hở

Phần đông những điểm kinh doanh massage, karaoke, nhà hàng, quán cà phê…không chân chính, bỏ một đồng vốn thu tới hàng chục đồng lời thường do món lợi kếch sù nên đã sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn, khai thác triệt để kẽ hở của pháp luật để tồn tại một cách công khai, bất chấp dư luận cũng như sự “dòm ngó” của nhà chức trách.

Thực trạng các nghề “nhạy cảm” ở TP.HCM

Toàn TP.HCM hiện có khoảng 900 điểm Karaoke nằm rải rác ở 24 quận, huyện. Bên cạnh đó còn có gần 100 điểm kinh doanh karaoke thuộc dạng gia đình kinh doanh không phép với dăm ba phòng để “kiếm cơm”. Rảo qua nhiều điểm karaoke ở khu vực quận 1, quận 3, Bình Thạnh, Thủ Đức chúng tôi ghi nhận được, ngoài những điểm karaoke chân chính hoạt động quy mô lớn (như hệ thống karaoke Nice chẳng hạn) thu hút đông đảo khách đến ca hát thì phần đông còn lại lượng khách khá ít ỏi. Lý do là những người có nhu cầu ca hát thật sự thì việc “tậu” cho mình một dàn karaoke chất lượng tương đối để cùng gia đình hát hò là chuyện không có gì khó trong thời buổi hiện nay. Ngược lại, những điểm karaoke “ôm” thì nơi nào cũng đông ngẹt khách. “Thượng đế” là những người đàn ông “đốt tiền” để tìm chút “cảm giác lạ” sau khi đã “quắc cần câu”. Mặc khác, do hiện nay để có giấy phép mở điểm kinh doanh karaoke là cực kỳ khó vì gần như các quận, huyện đều không có chủ trương cấp mới giấy phép loại hình này. Từ đó phát sinh tình trạng săn lùng giấy phép (chuyển nhượng lại của những người được cấp trước đây) và mua với cái giá hàng trăm triệu đến vài tỷ đồng tùy theo vị trí. Những người kinh doanh chân chính thấy số tiền chuyển nhượng quá lớn nên vội vàng sang tay. Dần dà, các giấy phép karaoke đều rơi vào tay những kẻ có đầu óc kinh doanh đen tối…

Massage cũng vậy, gần 140 cơ sở kinh doanh hiện nay, tìm đỏ mắt mới thấy được một cơ sở massage trị liệu đúng nghĩa, còn lại đều lấy kích dục làm phương thức kinh doanh thu lợi. Mặc dù theo quy định 05/2003/QĐ-UBND của UBND TP.HCM: Đối với tất cả cơ sở có hoạt động massge nhất thiết phải có bác sĩ phụ trách, kỹ thuật viên xoa bóp phải có chứng chỉ đào tạo chuyên môn kỹ thuật xoa bóp do các trường được Bộ y tế chỉ định cấp; phòng riêng của massage phải có diện tích tối thiểu là 4 m2, không có khoá chốt bên trong và phải có cửa kính trong suốt để bên ngoài có thể quan sát …Tất cả những quy định trên cốt là để chống kích dục, song vì công đoạn kích dục là hết sức “nhạy cảm” và dễ “xóa dấu vết” nên các Đoàn kiểm tra liên ngành khó lòng mà bắt quả tang.

Tương tự là quán cà phê đèn mờ, để bán một ly cà phê với giá 50.000-100.000 đồng, người chủ quán bật đèn xanh để tiếp viên làm hài lòng khách mà cũng chẳng hề hấn gì. Còn nhà hàng bia ôm, do có quy định là nhân viên không được ngồi phục vụ khách nên nhiều quán áp dụng chiêu “đứng ôm” hoặc cho tiếp viên từ bên ngoài vào (hay còn gọi là “PR”). Khi bị kiểm tra thì họ bảo mình chỉ là khách đến đây thì cũng “huề cả làng”!

Bên cạnh kiểu “ôm nhẹ nhàng” và kích dục nói trên, nhiều điểm ăn chơi trên địa bàn TP.HCM còn táo bạo hơn khi cho nhân viên múa thoát y, biểu diễn các màn “rợn người” nhằm gia tăng lợi nhuận. Trong trường hợp này, nếu bị cơ quan chức năng phát giác là “khó sống”. Do vậy mà những chủ cơ sở dạng này đều thừa thủ đoạn đối phó…


Làm gì để trị “chiêu”?

Trong hội nghị sơ kết đợt cao điểm kiểm tra các hoạt động dịch vụ văn hóa vừa tổ chức vào ngày 16/2, các ý kiến cho rằng, công tác quản lý nhà nước còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, thậm chí còn vô hiệu hoá lẫn nhau: ngành này đình chỉ thu hồi giấy phép thì ngành khác lại cấp mới. Hay như sau khi bị rút giấy phép thì họ vẫn tiếp tục hoạt động theo giấy phép mới nhưng vẫn do chủ cũ điều hành.

Cụ thể như công ty Phúc Thiên Ân (ở quận Bình Tân) sau khi bị phát hiện sai phạm và bị rút giấy phép, công ty này lần lượt đăng ký lại và đổi tên thành Phúc Thiên An, rồi Phú Thiên An, nay là Phố 69 để hoạt động ngay địa điểm cũ. Thực tế này, theo tư liệu mà chúng tôi nắm được thì “chiêu” đối phó trên được người vi phạm áp dụng từ nhiều năm qua, song cho đến nay vẫn chưa có giải pháp để trị.

Tôi còn nhớ trước đây, quán cà phê Hoàng Thụy nằm đường Hoàng Văn Thụ (phường 8, Phú Nhuận) do Hoàng Thị Thu Hương làm chủ bị bị rút giấy phép kinh doanh vì hành vi kích dục của tiếp viên. Nhưng thật bất ngờ, ít ngày sau, quán lại mở cửa họat động bình thường. Khi cơ quan công an đến kiểm tra thì Hương chìa ra một giấy phép kinh doanh mới do Hòang Thị Thanh Thanh (em ruột Hương) đứng tên kinh doanh…Vì pháp luật không có quy định nghiêm cấm thành lập doanh nghiệp tại địa chỉ đã bị xử lý vi phạm trước đó nên những trường hợp như vậy cơ quan chức năng đành phải…bó tay!.

Bên cạnh bất cập đó, trong cuộc họp báo về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn TP.HCM vào đầu tháng 2/2012, thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM, cho rằng, do việc kiểm tra xử lý vi phạm trong các các sở dịch vụ nhạy cảm thuộc trách nhiệm của Đoàn kiểm tra liên ngành (khi cơ sở có biểu hiện hoạt động mại dâm, ma túy thì thuộc trách nhiệm chính của ngành Công an). Theo quy chế thì Đoàn kiểm tra này hoạt động công khai mà đã là công khai thì rất khó phát hiện các hành vi vi phạm thuần phong mỹ tục. Đó là chưa nói đến hiện nay các chủ cơ sở vi phạm đều thuê mướn cảnh giới (chủ yếu là giới xe ôm), túc trực trước cổng của Sở văn hóa- thể thao và du lịch. Hễ đoàn kiểm tra liên ngành vừa khởi hành là chúng lập tức bám theo và thông báo cho “thân chủ” nếu thấy đoàn đi về hướng đường nơi cơ sở kinh doanh.

Từ thực tế trên, để công tác quản lý hiệu quả hơn trong thời gian tới, mới đây, lãnh đạo UBND TP.HCM chỉ đạo các sở ngành tiến hành rà soát các văn bản pháp luật xem điểm nào chưa phù hợp thì kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi. Ngoài yếu tố trên, theo chúng tôi các cơ quan có thẩm quyền cần phải xem xét xử lý cả với chủ nhà cho thuê, người được ủy quyền kinh doanh khi vi phạm nghiêm trọng về hành vi chứa chấp mại dâm, ma túy và ăn chơi sa đoạ tại nơi kinh doanh. Đồng thời tăng cường xử lý người đứng đầu chính quyền cấp phường, xã, thị trấn nếu để cơ sở kinh doanh phát sinh TNXH xảy ra trên địa bàn mình…
Hiện toàn TP.HCM có hơn 25.000 cơ cở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm”, trong đó có 943 nhà hàng, 134 cơ sở xông hơi- xoa bóp, 805 tiệm hớt tóc thanh nữ, 7.638 quán cà phê…với khoảng 20.000 nữ tiếp viên. Trong 3 tháng qua (từ tháng 11/2011-1/2012), Đoàn kiểm tra liên ngành các cấp đã kiểm tra 3.100 lượt, phát hiện 1.300 lỗi vi phạm, xử phạt trên 8,7 tỷ đồng.
Theo CAND Online 

0 nhận xét:

Post a Comment